6 nhiệm vụ trọng tâm để giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch

10:14 - Thứ Năm, 08/08/2024 Lượt xem: 3856 In bài viết

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, thời gian tới, một kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch sẽ được ban hành. Từ đó, trở thành căn cứ để các thành viên trực thuộc hiệp hội thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường một cách bài bản và hiệu quả hơn.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo "Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" vừa diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đơn vị thành viên của hiệp hội được nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Đồng thời, 50% khu du lịch, khách sạn thành viên không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; 100% các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành hướng dẫn, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu rác thải nhựa trong các quy chế hoạt động.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% thành viên của Hiệp hội du lịch Việt Nam không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Chia sẻ về mục tiêu nói không với rác thải nhựa trong toàn ngành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phân tích: “Du lịch được xem là lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng cũng là nguồn phát sinh đáng kể rác thải nhựa. Sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững”.

Những năm qua, du lịch là ngành có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, các hoạt động du lịch cũng đã góp phần làm tăng lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa.

Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch sẽ được ban hành nhằm góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ về mục tiêu nói không với rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Theo đó, có 6 nhiệm vụ trọng tâm được xác định nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí, internet, mạng xã hội…) để phổ biến tri thức về giảm rác thải nhựa cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch.

Thứ hai, tham gia xây dựng, phổ biến và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.

Thứ ba, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa; hướng dẫn phổ biến các hướng dẫn giảm thiểu rác thải nhựa cho các liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, hiệp hội du lịch của các tỉnh/thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa với các cơ quan, bộ, ngành chức năng trong và ngoài nước.

Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên trong hiệp hội.

Cuối cùng, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.

Đánh giá về 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, đây là những việc ưu tiên phải làm trước mắt, làm một việc nhưng giải quyết được nhiều việc. Có những nhóm nhiệm vụ mang tính khơi dậy, truyền cảm hứng làm du lịch xanh để mọi người cùng thực hiện.

“Cục Du lịch Quốc gia sẽ tiếp tục cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa những kết quả của dự án vào cuộc sống, đồng hành để triển khai từng hợp phần của kế hoạch và kêu gọi các địa phương, điểm đến triển khai có hiệu quả”, ông Hà Văn Siêu thông tin thêm.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top