Vấn vương đặc sản Điện Biên

08:40 - Thứ Năm, 28/11/2024 Lượt xem: 1486 In bài viết

ĐBP - 1. Tôi đến TP. Điện Biên Phủ vào một tối mờ sương. Cũng không ngờ, cái lạnh và sự ấm áp đem đến làm tôi không thể nào quên.

Du khách giao lưu tại bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi, TP. Điện Biên Phủ.

Đến bây giờ vẫn còn nhớ tình nồng, tình ấm. Vồn vã đón chào và tiếc nuối tiễn đưa, đó là điều tôi đã nghe về Điện Biên. Giờ mới thấy thấm, thấy cảm.

Rượu táo mèo (tên dân dã gọi loại rượu ngâm từ quả sơn tra) Điện Biên sao mà ngọt thế. Ngồi với đồng bào dân tộc, thấy rõ tình thân như tên gọi. Anh bạn kể tôi nghe về quả sơn tra. Đây là một loại quả đặc biệt chỉ có trên núi. Thứ quả tôi vẫn thường nghe kể trong những câu chuyện tuổi thơ. Đến đây mới biết quả sơn tra trông thế nào. Không chỉ nhìn qua các phương tiện truyền thông mà phải đặt tay, đưa mắt và dùng vị giác để cảm nhận.

Những câu chuyện về món đặc sản của núi rừng gây ấn tượng mạnh mẽ trong suy nghĩ của một con người thành phố. Nơi đây cũng là phố nhưng cảm giác khác hẳn chốn phồn hoa thị thành. Đường Điện Biên thỉnh thoảng có một con dốc xinh xinh. Đi xe lên đó, bước xuống nhìn lững lờ vài chiếc lá bị gió thổi ngang qua, chợt thấy ấm áp đến lạ. Điện Biên cũng có lúc làm con người xao xuyến thế này.

2. Lên Điện Biên đã ba lần. Đều là vì công việc. Không cảm nhận đầy đủ nét phong sương vốn đã hằn dấu trong con người mình. Con mắt của tự vấn, của ép mình vào công việc, nay lại tự cho mình một chút thời gian dùng chính tâm hồn cảm nhận. Bữa cơm trưa hôm đó toàn anh em, bè bạn. Cũng đều là người làm nghiên cứu, vùi đầu trên chiếc ghế và chồng tài liệu cao ngút. Điện Biên cũng cần phải tìm ra đường đi cho bà con, có người cần thời gian để yên tĩnh, lặng trầm.

Một chén rượu táo mèo nơi đây chất chứa bao tâm tình mà chẳng cần nói ra thành lời. Chén rượu chua chua, ngọt ngọt đặc trưng, đậm đà như dư vị cuộc sống vùng cao. Đất Điện Biên có vẻ gì đó lặng lẽ hơn tôi tưởng tượng và cũng chỉ có hương vị đặc biệt của loại rượu táo mèo trên đây mới làm tôi nghĩ suy đến thế.

Thật ngạc nhiên, thứ quả được trồng ở vị trí cao trên núi lại có mùi nhiệt đới. Cây sơn tra mọc rải rác trên rừng, chỉ cho quả thu hoạch ít hơn nhiều so với giống táo người miền xuôi vẫn hay trồng. Cũng lạ, nghe bà con nói chuyện, khi chọn quả để ngâm lại phải là quả có sâu. Đúng như thế, ngon thì sâu mới vào. Thật là kiến thức hay, bởi chợt nghĩ con mắt đánh giá mỗi nơi mỗi khác.

Nhân viên homestay Mường Then chuẩn bị chỗ nghỉ cho khách.

Sơn tra ngâm rượu, đơn giản thế thôi mà lại là tuyệt phẩm của Điện Biên. Chén rượu vàng óng, dễ uống, êm dịu. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi có ai đó từ Điện Biên về thì rượu táo mèo chính hiệu là thứ rất quý. Mỗi khi nghe câu nói “một chai rượu táo mèo không đáng là bao” thật mát lòng mát dạ.

3. Đến Điện Biên, biết thêm một phong cách hay nữa ở nơi đây. “Uống rượu táo mèo xong, làm chút xôi nếp nương Điện Biên sẽ thấy đời đẹp đấy”. Thông thường, khi đem một món xôi ra, ít ai lại quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của gạo nếp. Nhưng không, độ ngon của xôi được nấu từ nếp nương lại làm người ăn phải trầm trồ khen ngợi, rồi bất giác đặt câu hỏi cho chủ nhà: “gạo nếp ở đâu mà ngon thế?”. Rồi người chủ sẽ được dịp kể ra câu chuyện mà có lẽ đã lặp lại rất nhiều lần.

Loại nếp dẻo thơm ấy là niềm mong nhớ mỗi khi thèm miếng ngon. Chỉ là gạo thôi mà đem đến cho vị giác một cảm xúc lạ thường. Nghe kể, gạo nếp nương Điện Biên để ngon nhất phải được hấp thụ đủ tinh khí trời đất, chăm sóc và gặt phải đúng thời điểm để mang lại độ dẻo thơm và săn chắc nhất.

Gạo nếp nương đất Điện Biên được xếp vào một trong những loại nếp ngon nhất nước ta. Theo người sành sỏi, gạo nếp Điện Biên ngon như vậy vì được trồng trên nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng và nồng độ kali cao. Bà con lại nói, do trời chiều lòng người mà tưởng thưởng cho công chăm sóc. Được ăn xôi nếp nương Điện Biên và nghe câu chuyện kể, tôi mới thấu hiểu phần nào truyền thống, bản sắc, tập tục vào niềm vui mỗi khi thu hoạch loại nếp đặc biệt này. “Nếp nương quả thực không dễ trồng để ra gạo ngon, đủ tiêu chuẩn phục vụ cho thực khách”. Để tạo thành món xôi ngũ sắc nổi tiếng, hạt gạo nếp nương Điện Biên phải đủ độ tươi xốp, thấm nước và đặc biệt phải có mùi thơm, nhất là khi kết hợp với các loại lá và nguyên liệu tạo nên màu sắc. Tất cả điều đó chỉ có được khi nấu bằng gạo nếp nương thôi.

4. Ăn món xôi đơn giản mà đặc biệt, du khách là tôi bỗng nhận ra chân lý của sự tĩnh lặng và cảm nhận cuộc đời. Xa rời khỏi xô bồ thành thị, tạm lánh đi cái nhọc nhằn cuồng quay của xe cộ, tôi lắng nghe tiếng khèn được chính đồng bào dân tộc thể hiện, uống ngụm rượu táo mèo thanh ngọt, ăn miếng xôi nếp nương Điện Biên, cảm thấy muốn trở thành một phần nơi đây.

Đất Điện Biên đậm đà nét văn hóa đặc sắc. Từ những sản vật giản đơn mà độc đáo. Từ chính các món ăn đời thường nhưng là kết tinh của thiên nhiên, là món quà đặc biệt không đâu có. Điện Biên đã và đang đem lại giá trị cho du khách muôn phương.

Đinh Thành Trung
Bình luận
Back To Top