Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Những “người mẹ” đặc biệt

09:39 - Thứ Sáu, 26/08/2022 Lượt xem: 8702 In bài viết

ĐBP - Tôi gọi những thầy giáo đang giảng dạy ở bậc học mầm non là những “người mẹ” đặc biệt. Đặc biệt bởi do tính chất công việc nuôi dạy trẻ nên bấy lâu đa phần nhiều người thường cho rằng giáo viên mầm non mặc định phải là phụ nữ. Ấy vậy mà, bao nhiêu năm qua, ở một số tỉnh thành cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên - nơi cực Tây của Tổ quốc nói riêng, trên những lớp học mầm non ấy, còn có bóng dáng những người thầy đang từng ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dạy trẻ bằng cả tấm lòng và trái tim nhân hậu.

Quãng đường đến với nơi giảng dạy của thầy giáo Lò Văn Mừng, Trường Mầm non Pú Xi (huyện Tuần Giáo) trải qua nhiều cung đường gian nan, trắc trở.

Bài 1: “Lửa thử vàng…”

Tục ngữ có câu: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, thật đúng với tính chất công việc của những người đang công tác trong ngành giáo dục vùng cao. Bởi đến với nghề là cơ duyên nhưng gắn bó với nghề lại ở tấm lòng. Những người thầy giáo đang giảng dạy ở bậc học mầm non nơi “thâm sâu cùng cốc” Điện Biên cũng vậy. Họ sẵn sàng vượt qua mọi gian nan, cách trở để mỗi sáng thức dậy được ngắm nhìn, dạy dỗ, hòa cùng nhịp đập cuộc sống đàn em thơ…

Gạt qua định kiến

Ở vùng cao Điện Biên, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8 và thường khắc nghiệt hơn nhiều so với miền xuôi. Điều đó càng khiến cho quãng đường hơn 20km từ trung tâm huyện Tuần Giáo đến xã Mường Khoong trở nên xa hơn ngày thường. Do đã có hẹn từ trước, dù chưa hề quen biết nhưng khi đặt chân đến cổng Trường Mầm non Mường Khoong, thầy Đinh Quốc Quân đã rảo bước đón chúng tôi với sự niềm nở. Sau cái bắt tay thật chặt, thầy Quân bảo: “Thời tiết thất thường quá, mưa từ sáng tới giờ mới ngớt, nên cán bộ giáo viên chúng mình đang tranh thủ dọn dẹp trường, lớp học để chuẩn bị năm học mới”.

Cô Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Khoong (huyện Tuần Giáo): “Toàn trường hiện có 19 giáo viên. Duy nhất thầy Quân là nam giới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thầy Đinh Quốc Quân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong cuộc sống, thầy là người vui vẻ, hòa đồng, được đồng nghiệp, nhân dân tin tưởng, quý trọng.”

Dạo quanh khuôn viên trường, thầy Quân vui vẻ tâm sự nhiều chuyện về quãng thời gian giảng dạy của mình. Trong số đó, chúng tôi ấn tượng hơn cả là câu chuyện cơ duyên làm “bảo mẫu” nuôi dạy trẻ. Thầy Quân cho biết, khi còn ở ghế nhà trường, bản thân ban đầu chỉ mong muốn lớn lên sẽ được làm thầy giáo. Nhưng thời điểm đó lại không nghĩ sau này sẽ giảng dạy ở bậc mầm non. “Chẳng hiểu vì sao, mỗi lần gặp trẻ nhỏ mình cảm giác thật gần gũi và bình yên. Nhìn các con vô tư cười đùa, lâu dần thành thích, thành yêu, thành thương. Và rồi mình đã nhen nhóm, định hình cho mình đường đi sau này chính là công việc hiện nay đang làm” – thầy Quân bộc bạch.

Cũng như đa phần giáo viên mầm non là nam giới, ban đầu thầy Quân cũng có phần e ngại với công việc của bản thân. Bởi với nhiều người thường mặc định đây là công việc của nữ giới. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn băn khoăn, lo lắng, vì sợ con mình không được chăm sóc tốt. Thế nhưng, qua thời gian đã chứng minh, giáo viên nam đứng lớp mầm non không khác gì so với các cô giáo, từ việc dạy kỹ năng, dạy âm nhạc, dạy các con làm quen với thơ ca, kể chuyện, ăn uống, kể cả là vệ sinh cá nhân… Dù phải vượt qua khó khăn chung của giáo viên vùng cao và cả cái khó riêng của một thầy giáo mầm non, song thầy Quân không khi nào chùn bước; bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Quân đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thầy giáo Bùi Xuân Vinh (Trường Mầm non Suối Lư, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) khéo léo chăm sóc trẻ như người mẹ chăm con.

“Đôi khi là đồng nghiệp, có lúc là người thân, bạn bè cũng bảo sao không chọn giảng dạy ở bậc tiểu học, trung học cơ sở hoặc bậc học khác mà lại chọn nghề nuôi dạy “hổ”? Mình cười và đáp: Đến với nghề là cái duyên, gắn bó với nghề là ở tấm lòng, chỉ cần quyết tâm thì không gì có thể ngăn bước”.

Gần 13 năm dành thời gian cho nghề mình đã chọn, thầy giáo Đinh Quốc Quân chưa một lần có ý định sẽ chuyển ngành. Bởi có thể nhiều người cho rằng đây là công việc vất vả với nam giới, nhưng với thầy Quân thì niềm vui mỗi ngày là được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Là khi nhìn thấy các con hạnh phúc, ấm áp trong vòng tay của mình.

“Khai phá” vùng đất mới

Công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã vất vả, giảng dạy ở vùng cao còn gian khó bộn phần. Với ý chí quyết tâm và muốn thử sức mình, thầy Bùi Xuân Vinh, sinh năm 1994, quê ở thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã “cập bến” mảnh đất Điện Biên Đông – huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên để mang con chữ đến với học trò vùng cao. Thầy Vinh cho biết, hơn 7 năm sinh sống và làm việc ở đây, từ một người không họ hàng, người thân, giờ đây đã xem mảnh đất Điện Biên Đông như quê hương thứ hai của mình. Không những thế, với thầy Vinh, bà con nơi đây không khác gì người một nhà. “Lúc mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, em chỉ biết đến Điện Biên qua lời kể của bạn bè. Qua quá trình tìm hiểu trên sách, báo, mạng internet, em đánh liều “phượt” một chuyến đến Điện Biên. Chẳng biết cơ duyên thế nào, đến đây em cảm giác có gì đó rất gần gũi, thân thiện. Bởi vậy mà sau chuyến đi đó, em quyết định trở lại Điện Biên và gắn bó với mảnh đất này đến tận hôm nay” – thầy Vinh kể.

Nhận công tác ở vùng đất mới năm 2015, ban đầu thầy Vinh được phân công giảng dạy ở điểm trường Háng Tàu thuộc Trường Mầm non Sa Dung. Hơn 1 năm sau thầy Vinh được điều động sang giảng dạy ở Trường Mầm non Suối Lư (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông). Gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ ở đây, hơn nữa là giáo viên nam duy nhất của Trường nên thầy Vinh luôn “ga lăng” nhận giảng dạy ở những điểm bản khó khăn nhất của xã. Từ điểm Chống Sư A, Chống Sư B cho đến Từ Xa B. Tính ra, từ điểm trường trung tâm đến các điểm bản này phải gần chục cây số đường đất, ngày nắng thì chớ, hễ mưa thì có khi phải mất cả ngày mới tới được điểm bản.

Thầy giáo Bùi Xuân Vinh hướng dẫn tỉ mỉ từng câu, từng chữ cho các con trong giờ học.

“Trước đây, đôi lúc em có ý định muốn rời mảnh đất Điện Biên Đông về quê giảng dạy. Không phải vì sợ khó, sợ khổ, mà vì nhớ bố mẹ, nhớ người thân, nhớ quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Thế rồi, cứ mỗi học kỳ trôi qua, tình yêu mà em dành cho mảnh đất vùng cao này ngày một lớn. Hơn nữa, ở đây, bạn bè, đồng nghiệp, bà con dân bản ai cũng quý mến nên đến giờ thì em không còn suy nghĩ ấy nữa. Chỉ muốn cống hiến hết mình ở nơi đây” – thầy Vinh trải lòng.

Cũng là giáo viên mầm non, nhưng khác với thầy Vinh, năm học này mới là năm đầu tiên thầy Lò Văn Mừng (sinh năm 1998) chính thức trở thành giáo viên “chuyên nghiệp” tại Trường Mầm non Pú Xi (huyện Tuần Giáo). Nói là “chuyên nghiệp” bởi trước đó thầy Mừng đã có quãng thời gian một năm rưỡi dạy hợp đồng ở quê nhà thị trấn Tủa Chùa. Biết xa gia đình là vất vả, lại nhận công tác ở địa bàn khó khăn bậc nhất huyện Tuần Giáo nên đôi lúc thầy Mừng cũng có phần lo lắng. Dẫu vậy, được sự ủng hộ, động viên của gia đình, bạn bè, hiện thầy Mừng đang rất quyết tâm với cả một sự nghiệp phía trước khởi đầu từ vùng đất khó.

“Cũng là người Điện Biên nhưng khi đặt chân đến xã Pú Xi, em mới thấy được sự gian khó ở đây. Trong những thứ thiết yếu là điện, đường, trường, trạm thì Pú Xi mới có đường, trường, trạm. Dẫu là khó khăn nhưng em nghĩ, sẽ chẳng gì có thể cản được niềm đam mê nghề nuôi dạy trẻ của mình. Để làm được điều đó, em biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn” – thầy Mừng thể hiện sự quyết tâm.

Bài 2: Gửi tình yêu nơi con chữ vùng cao

Văn Quyết  - Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top