Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Những “người mẹ” đặc biệt (bài 2)

07:16 - Chủ Nhật, 28/08/2022 Lượt xem: 7791 In bài viết

Bài 2: Gửi tình yêu nơi con chữ vùng cao

ĐBP - Nghề “gieo chữ” đã vất vả, “gieo chữ” ở vùng cao còn gian nan hơn nhiều. Nhưng vượt lên những khó khăn về khoảng cách địa lý, ngôn ngữ vùng miền, phong tục tập quán, đời sống văn hóa… hàng nghìn giáo viên trên mảnh đất Điện Biên (trong đó có những thầy giáo mầm non) vẫn kiên trì bám trường, bám lớp vì sự nghiệp giáo dục vùng cao và tương lai của học trò...

Bài 1: “Lửa thử vàng…”

Những tưởng việc dạy múa, hát, chăm sóc trẻ mầm non thường dành cho “phái đẹp” nhưng với thầy Bàn Văn Đức, giáo viên Trường Mầm non Nậm Kè (huyện Mường Nhé) thì đó là công việc hàng ngày khi lên lớp.

Khó khăn nào cũng vượt qua

Một ngày sau Tết nguyên đán 2022, trời rét như cắt da khiến cho hành trình hơn 200km từ thành phố Điện Biên Phủ đến huyện biên giới Mường Nhé như dài thêm. Bên các cung đường, những ngôi nhà mới dựng mái tôn còn tươi màu sơn xen kẽ là các điểm trường mái ngói đỏ tươi được bao phủ bởi lớp sương mù huyền ảo. Miên man trong suy tư về một năm khởi sắc nơi vùng đất còn nhiều gian khó, Trường Mầm non Nậm Kè hiện ra trước mắt chúng tôi. Thay vì đợi ở điểm trường, thầy Bàn Văn Đức dạy ở bản Chuyên Gia 3 - bản biên giới khó khăn nhất của xã Nậm Kè hoan hỉ đón chúng tôi ở điểm trường trung tâm rồi mới cùng đến điểm bản nơi thầy giảng dạy.

Như “cảnh báo” trước những khó khăn, thầy Đức bảo: Từ điểm trường trung tâm vào bản Chuyên Gia 3 không xa lắm, nhưng dễ làm nản lòng những ai muốn đến lắm đấy nhé. Thậm chí, cách đây vài năm, việc đi lại ở nơi này chỉ có “cuốc bộ”, bởi thế, mỗi lần giáo viên phải xuống trường trung tâm họp hay có việc gì thì vất vả vô cùng.

Chúng tôi cùng nhau lên đường. Câu chuyện thường xuyên ngắt quãng vì phải tập trung cho việc “vượt núi”, “băng rừng”; cuối cùng điểm trường Chuyên Gia 3 cũng hiện ra trước mắt. Đây là nơi mà thầy Bàn Văn Đức đang chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép 5 - 6 tuổi và 3 - 4 tuổi với tổng số 15 trẻ. Tất cả mọi công việc từ dạy học đến nấu ăn, chăm sóc trẻ hàng ngày đều do thầy đảm nhiệm.

Thầy giáo Trần Đức Tú, điểm trường Nà Nếnh A, Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) đón trẻ mỗi sáng.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên:

"Nậm Kè là xã biên giới, đặc biệt khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy nơi đây cơ bản vẫn còn thiếu thốn. Song với sự tận tâm, cống hiến của cán bộ, giáo viên nơi đây nói chung, thầy giáo Bàn Văn Đức nói riêng, tỷ lệ huy động trẻ bậc học mầm non đến trường của huyện luôn đạt trên 70%. Trong đó, nhà trẻ 30,8%; mẫu giáo 96,2%; trẻ 5 tuổi 99,5%."

Ngày nào thầy cũng ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng đi nhận thực phẩm cho các em, cố gắng thật nhanh để kịp giờ lên lớp dạy học. Đến giữa buổi, thầy xuống bếp nấu cơm để chuẩn bị bữa trưa cho các con. Giờ ăn, một mình thầy xoay như chong chóng, hết bón cơm cho bé này lại lấy canh, chia thức ăn cho bé kia. Trò ăn xong, thầy ăn vội ăn vàng bát cơm rồi cho các con đi ngủ. Đến khi con ngủ yên, thầy lại lúi húi nơi góc bếp rửa bát và dọn dẹp. Xong xuôi mọi việc thì cũng đến giờ học buổi chiều. Lại đánh thức trẻ dậy, rửa mặt, chải đầu tết tóc cho bé gái, rồi mới bước vào buổi học với múa hát, kể chuyện và học chữ… Cứ như vậy, ngày qua ngày thầy Đức một mình vừa dạy học và chăm sóc, nuôi dưỡng các em như người cha, người mẹ thứ hai vậy.

Thầy Đức bộc bạch: Nhiều năm rồi, công việc của mình vẫn vậy. Chỉ có cơ sở vật chất thì mấy năm học gần đây đã đỡ hơn. Trước đây khi điểm trường chưa được đầu tư xây dựng, mùa hè thì chớ chứ vào đông trời lạnh, gió lùa, lạnh đến thấu xương. Khó khăn, vất vả, nhưng vì thương trò, thương đồng bào vùng cao nên tôi đã quyết tâm, cố gắng ở lại vùng cao.

Như nhiều bản vùng cao khác ở Điện Biên, tại điểm trường Chuyên Gia 3 tất cả học sinh là người dân tộc Mông. Nơi đây đời sống người dân còn nghèo, bà con không coi trọng cái chữ nên nhiều khi vẫn có học sinh bỏ học. Bởi vậy giáo viên thường xuyên phải đến tận nhà nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi khuyến khích bố mẹ để các em đến lớp bằng nhiều cách. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với người dân là cách mà thầy Đức vẫn thường làm.

Những ngày đầu còn vụng về, nhưng giờ đây thầy giáo Tú đã thuần thục việc giảng dạy, chăm trẻ.

Câu nói giáo viên vùng cao là những người “cõng chữ lên non”, mang cái chữ đến với người dân vùng cao, ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ quả không sai. Còn thầy giáo Đức thì suy nghĩ mộc mạc, gần gũi và thực tế hơn nhiều: “Mình nghĩ không biết chữ, đời sống văn hoá, tinh thần của bà con kém phát triển, sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Nào là sinh đẻ không có kế hoạch, tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu xúi giục… thế rồi cứ nghèo nàn, lạc hậu mãi”.

Thầy giáo mầm non Bàn Văn Đức đã gắn bó với trường gần 12 năm, nhưng chính bản thân thầy không nghĩ đã vượt qua bao khó khăn để gắn bó với trẻ em nơi này. Thầy Đức nói như mở lòng: Dạy học ở vùng cao, chuyện học sinh không đến lớp, đến trường xảy ra thường xuyên. Nhưng đã yêu nghề thì khó khăn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng. Từ lời của thầy Đức, chúng tôi hiểu, đó cũng chính là những tâm sự của giáo viên vùng cao.

Đất lạ hóa quê hương

Yêu nghề, thương trò, gắn bó với cuộc sống vùng cao, nhiều thầy cô đã lựa chọn xây dựng gia đình nơi đất lạ; biến những bản vùng cao thành quê hương thứ hai của mình. Thầy giáo mầm non Bàn Văn Đức cũng là người như vậy.

Tranh thủ giờ nghỉ, thầy Tú tự tay sáng tạo, thiết kế đồ chơi cho các con.

Cùng niềm tin, chí hướng, thầy Đức đã kết duyên với cô giáo cùng trường. Mỗi người một quê, chồng ở Sơn La còn vợ ở Điện Biên giờ có một quê hương thứ hai, quê hương chung của đôi vợ chồng đó là bản, người thân là học trò, bà con dân bản… Hàng ngày, hạnh phúc đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ là dạy dỗ, chăm sóc học sinh của mình nên người, những mong mai này xây dựng quê hương, đất nước. Khi hỏi về cuộc sống của hai vợ chồng, thầy Đức bộc bạch: “Xa nhà, lại công tác ở vùng cao, biết là khó khăn nhưng bọn mình sẽ cố gắng”.

Không chỉ thầy Bàn Văn Đức, ở một huyện khác của tỉnh Điện Biên, thầy Trần Đức Tú, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tổ Vua Hùng, tỉnh Phú Thọ, hiện đang giảng dạy tại điểm trường Nà Nếnh A, Trường Mầm non Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông) cũng đã “an cư, lập nghiệp” với cô giáo cùng trường và cũng cùng điểm trường. Thầy Tú cho biết, sau khi nhận công tác ở đơn vị thời điểm năm 2015, ba năm sau thì lập gia đình và sinh được một người con. Vì không thể gửi con cho ông bà nội, ngoại, nên suốt hành trình gần 4 năm qua, vợ chồng Tú phải đưa con theo lên trường. Và dù là giáo viên mầm non nhưng anh chị luôn để con học lớp khác để có thể tập trung cho công việc. “Để con học ở lớp mình thì bố mẹ sẽ không dồn hết tâm sức cho các bạn nhỏ khác. Thương con, nhưng vì nhiệm vụ, vì cái chung nên vợ chồng em luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn” – thầy Tú chia sẻ.

Sẽ là không thể nếu muốn nói, viết hết được sự nỗ lực, tâm huyết và cả hi sinh của những giáo viên vùng cao; trong đó, có các thầy giáo mầm non – những “người mẹ” đặc biệt, như thầy Mừng, thầy Vinh, thầy Đức, thầy Tú… Họ đã thực sự hết mình với nghề, với trẻ em vùng cao; góp phần tô thắm thêm truyền thống cao quý của nghề giáo – Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…!

Tỉnh Điện Biên hiện có 15.545 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 4.638 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc bậc học mầm non và chỉ có 6 giáo viên là nam giới. Theo đánh giá của đơn vị quản lí trực tiếp, những năm học vừa qua, các thầy giáo đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Văn Quyết – Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top