Những “công dân đặc biệt” ở vùng cao Tìa Dình

10:33 - Thứ Bảy, 22/10/2022 Lượt xem: 8579 In bài viết

ĐBP - Ông Cháng A Lầu, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình: “Hiện nay Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình có gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó có gần 20 đảng viên. Chúng tôi đánh giá cao các thầy cô trong trường đã, đang khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm bám trụ địa bàn để đảm bảo công tác giáo dục tại địa phương. Mỗi năm nhà trường đã huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tại chỗ đạt trên 95% trở lên”.

Trước giờ vào lớp của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình.

“Không phải là lương cao hay chỗ đứng, vị thế của nhà giáo ở đây được đo bằng lòng dân. Dân tin, dân yêu thì mọi nhiệm vụ đều sẽ hoàn thành!” - thầy giáo Phạm Văn Tuyển, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình bộc bạch như thế!

Cách trung tâm huyện Ðiện Biên Ðông gần 50km, xã vùng cao Tìa Dình nằm biệt lập, giáp ranh với tỉnh Sơn La. Do cách trở giao thông, dân cư phân tán nên vùng đất này “sở hữu” nhiều cái nhất trong huyện: Nghèo nhất, xa nhất, đường đi khó khăn nhất, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia thấp nhất... Vào ngày mưa, nơi đây gần như bị cô lập. Những chiếc xe máy phải quấn xích hai lốp trước và sau mới “bò” được lên dốc. Theo nhiều người dân chia sẻ thì đây là phương pháp “tối ưu” nhất. Giao thông khó khăn, cách trở nên giáo viên lên đây giảng dạy phải ở lại cả tuần, thậm chí cả tháng, năm, chứ chẳng thể nào mà đi - về trong ngày. Bởi vậy 100% giáo viên nhà trường đều ở lại địa bàn, cùng chung ăn, ở, sinh hoạt thiếu thốn như bà con. Nhiều thầy cô đã mua đất, dựng nhà, nhập khẩu, cho con học tại chỗ và chính thức trở thành công dân của bản. Chỉ có điều, trong mắt dân bản thì thầy cô là những “công dân đặc biệt”. “Ðặc biệt” bởi những điều thầy cô giáo mang lại cho bà con. “Không chỉ đơn giản là đón bọn trẻ đến lớp, dạy chúng cái chữ mà giáo viên còn chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, rèn nền nếp, kỹ năng sống cho các con; phụ huynh giao con đến trường là cứ thế yên tâm lên nương cả ngày. Chính vì thế nên trong nhà, trong bản có việc bà con đều mời thầy cô tham dự” - thầy Tuyển tâm sự.

Sinh ra, lớn lên, đi học rồi lại trở về Tìa Dình công tác nên thầy giáo Vàng A Dà hiểu hơn ai hết sự đặc biệt này. Thầy Dà kể: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nhận được nhiều sự khuyên can của người trong bản là nên ở nhà làm kinh tế, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng, cứ nghĩ ở nhà rồi lại “bán mặt” cho mảnh nương cả đời. Không chỉ khổ bố mẹ mà cả vợ con sau này cũng không khấm khá hơn được nên tôi quyết định theo đuổi ngành Sư phạm. Tốt nghiệp ra trường, thầy Dà trở về quê hương làm thầy giáo trong niềm tự hào của gia đình và sự nể phục của bà con dân bản. Ðứng trên bục giảng ngay tại quê nhà, dạy con em đồng bào dân tộc mình, thầy Dà cũng tự tin hơn. Song điều thầy cảm nhận rõ nhất chính là sự tôn trọng bà con dành cho mình. Nhiều gia đình, khi có việc quan trọng thậm chí còn tìm thầy tâm sự và xin ý kiến đóng góp. Ðặc biệt, mỗi năm trôi qua, số học sinh mạnh dạn nói lên ước mơ về nghề nghiệp ngày một nhiều hơn, trong đó có nghề giáo. “Năm học vừa rồi, lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh nữ ban đầu rất rụt rè, không chịu tiếp xúc với người lạ. Nhưng sau một thời gian thì cởi mở dần, hăng hái trong học tập. Cuối năm em về khoe với gia đình lớn lên muốn đi dạy học như thầy Dà. Chưa biết chặng đường tới sẽ thế nào, nhưng chí ít thì tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì có thể làm động lực, mục tiêu phấn đấu cho học sinh” - thầy Dà nói.

Thầy giáo Thào Bá Lử hướng dẫn học sinh học nhóm.

Là người bản địa với nhiều thuận lợi, song theo thầy Dà không phải tự nhiên mà có được tình cảm quý mến và sự coi trọng của học sinh, phụ huynh như vậy. Trước đây, việc vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số hay tỷ lệ chuyên cần luôn là “bài toán khó” với mỗi giáo viên. Vì phụ huynh chưa hiểu hết được giá trị của việc học, những quyền lợi khi bọn trẻ đến trường, mà chỉ nghĩ con đi học thì sẽ mất nguồn lao động, trông em. Hễ nhà có việc là cho nghỉ. Mỗi lần thầy cô đến, họ đều tìm lý do để từ chối hoặc không tiếp. “Thế nhưng, tôi cứ lấy mình ra làm tấm gương người thật việc thật để giải thích cho bà con. Nếu ngày ấy bố mẹ tôi cũng cho nghỉ, thì liệu bây giờ tôi có thành thầy giáo thế này không? Vậy là bà con nghe ra” - thầy Vàng A Dà tâm sự.

Tương tự thầy Dà, thầy giáo Thào Bá Lử là người được các thế hệ học sinh nhà trường nhớ đến với những tiết học “thoải mái”. “Tôi cho rằng tâm lý có vai trò quan trọng quyết định việc các em có chủ động tiếp cận kiến thức hay không. Vì thế, điều đầu tiên tôi làm mỗi khi lên lớp, tiếp xúc với học sinh là tươi cười, cởi mở. Mọi rào cản từ sự e dè, lo lắng sẽ được xóa bỏ để các em tự tin bước vào giờ học” - thầy Lử chia sẻ.

Cũng theo thầy Lử, mặc dù còn nhiều khó khăn, song hiện nay công nghệ thông tin đã bắt đầu phát triển ở địa bàn. Học sinh có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức từ nhiều nguồn, nhất là internet. Tuy nhiên, trong đó bao gồm cả thông tin xấu, độc. Do vậy, mỗi thầy cô trước tiên phải tự học, nắm bắt thành thạo để đưa ra những định hướng, giúp học sinh biết được đúng sai, tránh những tác động tiêu cực từ công nghệ.

Thầy giáo Phạm Văn Tuyển, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình trước đây có 7 điểm bản. Hàng năm tiếp nhận khoảng hơn 300 học sinh. Song vì số lượng học sinh tại một số điểm ít, nên từ năm học 2020 - 2021 có 2 điểm phải bố trí cho học sinh ra trung tâm. Với gần 50% ở nội trú, nhiều em phải xa gia đình khi còn quá nhỏ, nên việc tự lập trong sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn. Học sinh những ngày đầu về trường đều chưa biết đến nền nếp ăn ở, sinh hoạt tập thể; nhất là các em lớp 1, còn nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ. Bởi vậy, ngoài giờ lên lớp, thầy cô giáo đều “kín lịch” tại các phòng nội trú. Ðặc biệt là thời gian đầu, giáo viên phải làm mẫu, hướng dẫn tỉ mỉ để các em quan sát và làm theo. Ðơn giản từ việc đánh răng, rửa mặt ra sao, gội đầu như thế nào thầy cô trực tiếp thực hiện cho một vài học sinh. Các bạn khác cùng theo dõi, thực hành. Khi sinh hoạt đi vào nền nếp, thầy cô mới chuyển qua giai đoạn giám sát, nhắc nhở và giáo dục các kỹ năng mềm như: tự bảo vệ bản thân trước người lạ, bạo lực, nguy cơ đuối nước, tai nạn thương tích, ma túy, tệ nạn xã hội, tảo hôn!

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top