Chắp cánh khát vọng khởi nghiệp

08:54 - Thứ Tư, 07/12/2022 Lượt xem: 8618 In bài viết

ĐBP - Tham gia những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp được hình thành trên ghế nhà trường, nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Nguồn thu nhập trên đã tạo đà thúc đẩy các em hiện thực hóa khát vọng, chắp cánh khởi nghiệp trong tương lai.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên sản xuất chậu cảnh tại mô hình thực hành nghề kỹ thuật xây dựng gắn với sản xuất dịch vụ.

Tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, mô hình thực hành nghề kỹ thuật xây dựng gắn với sản xuất dịch vụ đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều sinh viên tham gia. Xuất phát từ ý tưởng của thầy và trò nhà trường về việc tạo dựng một xưởng dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu dạy và học kết hợp sản xuất dịch vụ. Từ năm 2021, mô hình được triển khai không chỉ giúp các em HSSV được thực hành mà tại xưởng dịch vụ, các em có thể sản xuất các sản phẩm để bán ra thị trường kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Thầy giáo Vũ Duy Hưng, Khoa Xây dựng, chủ nhiệm mô hình cho biết: Mỗi HSSV được trực tiếp thực hành tại mô hình để nâng cao tay nghề. Sản phẩm làm ra được kết nối với các cơ sở trên địa bàn để bán ra thị trường, mang lại thu nhập trực tiếp cho các em. Qua đó, không chỉ giúp một số học sinh tháo gỡ khó khăn về kinh tế, giảm bớt gánh nặng học tập, mà từ đây, nhiều em đã ấp ủ và hiện thực hóa thành mô hình khởi nghiệp trên chính quê hương mình.

Tham gia thực hành tại mô hình từ những ngày đầu, sinh viên năm 2 Quàng Văn Thủy, Khoa Xây dựng hiện nay đã thuần thục tay nghề. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ khi mới bắt tay vào thực hành, niềm vui được ngắm những sản phẩm hoàn thiện đã giúp Thủy thêm yêu thích ngành nghề mình lựa chọn. Với sự đam mê, khéo léo, Thủy lựa chọn tham gia sản xuất chậu cây cảnh. Hiện nay, Thủy có thể làm toàn bộ các khâu để hoàn thiện một chiếc chậu theo ý muốn.

Quàng Văn Thủy cho biết: Từ tháng 5 đến nay, sản phẩm bắt đầu có lãi nên em có thu nhập đều đặn hơn. Bình quân mỗi tháng em kiếm được hơn 2 triệu đồng. Mặc dù còn một năm nữa mới hoàn thành chương trình học, song em đã thử nghiên cứu và thấy nghề sản xuất chậu cảnh phù hợp với địa bàn mình sinh sống. Vì vậy, em đang chuẩn bị vốn và dự tính sẽ đầu tư để mở cơ sở sản xuất sau khi ra trường.

Để sản phẩm do sinh viên sản xuất có đầu ra ngoài thị trường, giáo viên triển khai mô hình đã tích cực tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa, kết nối với doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Cùng với đó, giáo viên phụ trách đảm nhận đăng tải quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, liên hệ chào hàng tới các cơ sở kinh doanh cây cảnh, các trường học, đơn vị tổ chức và các gia đình. Nhờ đó, từ khi triển khai mô hình đến nay đã có gần 1.000 sản phẩm các loại sản xuất từ mô hình được bán ra thị trường.

Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên do nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên xây dựng đã đạt những kết quả nhất định. Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay dự án đã thu hút gần 20 sinh viên nữ trong trường tham gia. Với sản phẩm đặc trưng là túi xách làm bằng chất liệu vải bố, thân thiện với môi trường, thân túi thêu hoa văn, họa tiết dân tộc hoàn toàn thủ công. Nhờ số thành viên gồm nhiều dân tộc khác nhau, như Mông, Thái, Dao… nên sản phẩm làm ra cũng đa dạng về mẫu mã, hoa văn truyền thống mang nét đặc trưng. Vì vậy, sản phẩm đã nhận được sự yêu thích của đông đảo khách hàng với gần 1.000 sản phẩm đã được bán ra thị trường.

Mỗi chiếc túi bán ra thị trường có giá 200.000 đồng, trong đó, sinh viên được trả công 50.000 - 100.000 đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Dù số tiền thu về không lớn, song phần nào đã giúp gia đình sinh viên giảm bớt “gánh nặng” về sách vở, quần áo, đồ dùng thiết yếu phục vụ, trang trải chi phí học tập. Để sản phẩm được lan tỏa, các thành viên dự án trực tiếp mang sản phẩm đến ký gửi, bày bán tại các điểm du lịch. Ngoài ra, việc quảng bá đang được mở rộng trên nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội zalo, facebook...

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) cho biết: Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao khả năng cho sinh viên trong quá trình khởi nghiệp, từ việc hình thành ý tưởng khởi nghiệp cho tới việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp. Không cần ý tưởng quá cao siêu, to lớn, HSSV trường nghề có thể bắt đầu từ những điều xung quanh mình để phát hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích, phù hợp với khả năng. Việc tham gia các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp là cơ hội để các em có sự rèn giũa, cọ xát và khẳng định được năng lực bản thân. Điều này rất quan trọng cho hành trang khởi nghiệp sau này của HSSV.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top