Ươm mầm tài năng sáng chế

09:47 - Thứ Hai, 20/03/2023 Lượt xem: 6290 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh được triển khai luôn nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các em học sinh, thanh thiếu nhi, trở thành sân chơi khoa học bổ ích, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng cũng như khơi dậy, phát huy tiềm năng và ươm mầm những tài năng sáng chế trong tương lai.

“Thiết bị chống điện áp cao, chống sét lan truyền, chống điện giật” do nhóm tác giả: Nguyễn Thu Huyền, Đặng Tiểu Bình, học sinh Trường THCS Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) sáng chế.

Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã trở thành sân chơi hấp dẫn, thu hút được học sinh trong lứa tuổi từ 6 - 19 tuổi hào hứng tham gia, thỏa sức thể hiện những ý tưởng, sáng tạo của mình. Qua 6 năm triển khai, mỗi năm có gần trăm sản phẩm được gửi đến tham gia cuộc thi. Các mô hình, sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm: Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; đồ dùng học tập; sản phẩm thân thiện với môi trường; phần mềm tin học; giải pháp kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Các mô hình, sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, học tập hàng ngày của các em; trong đó, nhiều sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống.

Có sức hút không kém, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh cũng luôn nhận được sự quan tâm tham gia của các em học sinh THCS, THPT trong toàn tỉnh. Trong năm học 2022 - 2023, cuộc thi đã thu hút 130 dự án đăng ký tham gia. Để sáng chế ra sản phẩm, các em học sinh đã ứng dụng những kiến thức đã học tại nhà trường vào thực hiện những mô hình, các phần mềm, ứng dụng tin học phục vụ học tập, cuộc sống. Nhiều sáng kiến thể hiện được tâm huyết, sự nhiệt tình tham gia của các em.

Ngoài những giờ học tập trên lớp, em Nguyễn Thu Huyền và em Đặng Tiểu Bình, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Qua quan sát thực tế từ đời sống, Huyền và Bình nhận thấy điện áp tăng cao đột ngột, sét đánh lan truyền, điện giật là mối nguy hiểm gây thiệt hại về người và tài sản. Xuất phát từ lý do trên, Huyền và Bình đã bắt tay thực hiện sáng chế “Thiết bị chống điện áp cao, chống sét lan truyền, chống điện giật”. Với mục tiêu nghiên cứu đặt ra, Huyền và Bình đã lập kế hoạch, thực hiện thiết kế thiết bị (thiết kế sơ đồ, mạch điện, vật liệu chế tạo), sau đó thử nghiệm, điều chỉnh và nâng cấp để đưa ra kết luận, nhận định về kết quả mà sản phẩm đạt được. Sau thời gian nghiên cứu, sản phẩm được hoàn thành đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra, khắc phục được tình trạng cháy nổ, dễ sử dụng với chi phí phù hợp và không cồng kềnh. Đặc biệt, thiết bị còn được kết nối với điện thoại thông minh, mạng internet, 4G… giúp báo điện năng tiêu thụ, công suất đang tải và có thể tắt, bật thiết bị khi cần thiết.

Nguyễn Thu Huyền cho biết: Việc tham gia cuộc thi đã giúp chúng em có cơ hội giao lưu và học hỏi cũng như thử sức với niềm đam mê sáng chế của mình. Sau cuộc thi, chúng em sẽ tiếp tục thực hiện những dự định, ý tưởng nhằm đưa những kiến thức trên trang sách đi vào thực tế cuộc sống một cách bổ ích, ý nghĩa.

Với những tính năng hiệu quả đạt được, thiết bị do Huyền và Bình sáng chế đã vinh dự đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022 - 2023. Cùng với Huyền, Bình, cuộc thi đã thu hút hàng trăm học sinh tham gia với những đề tài phong phú, đa dạng, làm lan tỏa phong trào yêu thích và khám phá khoa học, tìm tòi sáng tạo những ý tưởng từ thực tiễn cuộc sống để phát minh ra những sản phẩm đồ dùng, dụng cụ hữu ích. Từ những lĩnh vực gần gũi, quen thuộc, các em đã vươn xa hơn tìm hiểu, khám phá về lĩnh vực khoa học môi trường, khoa học trái đất, phần mềm hệ thống, tin học, hóa sinh, kỹ thuật cơ khí...

Không chỉ gói gọn trong quy mô một cuộc thi, các cuộc thi trên đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, sân chơi bổ ích có sức lan tỏa trong thế hệ trẻ. Tuy mới chỉ ở lứa tuổi học trò nhưng thông qua các cuộc thi khoa học kỹ thuật đã khơi dậy sự sáng tạo, rèn giũa tính kiên nhẫn trong các em học sinh, giúp các em giao lưu, học hỏi, kết bạn với những bạn bè có cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Từ đó, hướng các em có trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt hàng ngày. Đó là tiền đề cũng như động lực để những “nhà sáng chế” tuổi học trò không ngừng nuôi dưỡng đam mê, tiếp tục sáng tạo.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top