Người tốt - việc tốt
ĐBP - 12 năm gắn bó với học sinh vùng cao ở các điểm trường lẻ, cô giáo Lò Thị Thiên giáo viên điểm trường Đệ Tinh 1, Trường PTDTBTTH Phìn Hồ luôn tràn đầy nhiệt huyết, tận tụy với công việc trồng người. Tình yêu nghề và lòng kính trọng, sự yêu quý của đồng nghiệp, học sinh và bà con dân bản chính là động lực để cô Thiên nỗ lực cống hiến hết mình, mang kiến thức đến cho học sinh vùng cao.
Với đức tính giản dị, nhiệt tình, năng động và ham học hỏi, cô giáo Lò Thị Thiên luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, tự học trên mạng để có những bài giảng hay. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực, tính tích cực, sáng tạo của học sinh, tổ chức hoạt động học tập theo nhóm, đưa ra những câu hỏi gợi mở, tạo hứng thú ham học cho các em học sinh. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng cần có ở một giáo viên tiểu học đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, tỉ mỉ, kiên trì, nhiệt tình, tâm huyết với nghề...
Bởi đối với học sinh vùng cao, nhất là lớp 1 khi các cháu vừa chuyển từ bậc học mầm non còn đang quen với việc chơi nhiều hơn học, mặt khác các cháu còn rụt rè, nhút nhát chưa quen giao tiếp nên việc giáo dục và chăm sóc là hết sức vất vả. Vì vậy, để hình thành những thói quen, nề nếp tốt cho các cháu cô Thiền kiên trì, hướng dẫn các em từ những cái nhỏ nhất, nhất là những ngày đầu khi các em vào lớp 1, phải dạy em từ những câu chào hỏi đầu tiên, để rèn được cho học sinh mạnh dạn tự tin cô luôn giao lưu hỏi han chia sẻ với học sinh; dạy các em cách cầm bút, cầm phấn… Ngoài giờ học, cô còn hướng dẫn học sinh cách vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh chung, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, dạy các em cách ăn mặc gọn gàng, cách rửa tay, trước khi ra vào lớp...
Cô giáo Thiên chia sẻ: “Để làm tốt công tác giáo dục ở vùng khó khăn chúng em luôn xác định bản thân mình phải nhiệt tình, tận tâm với công việc, thường xuyên trao đổi với phụ huynh nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng hoàn cảnh gia đình học sinh để có biện pháp hướng dẫn giúp đỡ các em. Đồng thời phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, không ngừng tự học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn. Ngoài học hỏi đồng nghiệp em thường xuyên học thêm trên “Hành trang số” của Nhà Xuất bản giáo dục để có phương pháp giảng dạy hay nhất phù hợp với đối tượng học sinh của mình”. Không chỉ tâm huyết với công tác giảng dạy, cô còn thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, chủ động lắng nghe những góp ý của đồng nghiệp thông qua các tiết học dự giờ, phối hợp với tổ chuyên môn tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như xây dựng mối đoàn kết trong tập thể nhà trường.
12 năm cắm bản, với tâm niệm nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, mỗi người giáo viên phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, cô Thiên luôn hình thành cho mình đức tính tự học, tự sáng tạo, tận tâm với nghề, trở thành tấm gương sáng trong công tác dạy và học. Thật đáng trân trọng và tự hào lắm về những cô giáo tâm huyết với nghề - người thắp ngọn lửa niềm tin, truyền cảm hứng, năng lượng dạy học cho các thầy cô giáo vùng cao nơi biên cương tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.