Nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên – Bài toán chưa có đáp án

10:53 - Chủ Nhật, 28/05/2023 Lượt xem: 7227 In bài viết

ĐBP - Với đặc thù địa bàn miền núi, có thể khẳng định giáo dục là một trong những ngành vất vả, gian nan nhất tại Điện Biên. Muôn vàn khó khăn của vùng cao đã và đang cản bước chân của những người “gieo chữ”. Bởi vậy mà những năm gần đây, tình trạng nghỉ việc, chuyển vùng, thiếu cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục tỉnh ngày càng “nóng”. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, tạo thêm áp lực cho những người đang công tác. Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng bài toán nhân lực này vẫn chưa có đáp án.

Bài 1: Giáo viên rời núi

Nặng lòng với vùng cao, dành cả thanh xuân đưa bao chuyến “đò” chở lớp lớp học trò đồng bào các dân tộc cập bến, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nhiều giáo viên vẫn phải đành lòng gửi lá đơn xin thôi việc hoặc chuyển vùng công tác.

“Dứt áo” ra đi

Thầy giáo môn Tiếng Anh Lường Văn Quynh chuyển từ xã khó khăn Leng Su Sìn về trung tâm - Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được hơn 1 năm thì đột ngột nghỉ việc, cũng không quay lại hoàn tất thủ tục, hưởng chế độ. Khi ấy là thời gian chuẩn bị bước vào năm học 2021 - 2022. Thầy Đinh Tuấn Sơn, Tổ trưởng Tổ tổng hợp các bộ môn chuyên biệt, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Nhé kể lại: “Thầy Quynh thuộc tổ của tôi, là giáo viên trẻ, chuyên môn vững. Hè năm 2021, Quynh đã có ý định muốn chuyển về quê ở Sơn La để gần gia đình. Tổ cùng công đoàn, Ban Giám hiệu đã động viên, chia sẻ để thầy tiếp tục công tác. Đợt bồi dưỡng chuyên môn hè, thầy vẫn lên tham gia nhưng vào đầu năm học thì không trở lại. Chúng tôi liên hệ thì thầy báo xin nghỉ, về dạy cho 1 trung tâm ngoại ngữ tại TP. Sơn La”.

Huyện biên giới Mường Nhé xa xôi, là địa phương có tỷ lệ giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng nhiều nhất nhì tỉnh ta. Từ năm 2020 - 2022, huyện có 15 cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục xin thôi việc và 92 trường hợp chuyển công tác.

Năm 2020 đến nay, Tuần Giáo có 79 giáo viên thôi việc, chuyển ngành, chuyển công tác, tạo không ít áp lực cho các cán bộ, giáo viên hiện đang công tác. Trong ảnh: Lớp ghép 1+2, điểm trường Huổi Anh, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông.

Từ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng gia tăng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020 - 2021 và 2021 -2022 có 213 giáo viên chuyển công tác ra ngoài tỉnh, 109 giáo viên nghỉ thôi việc. Trong đó có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, là giáo viên môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học... và đã có thời gian gắn bó, công tác trên 10 năm.

Còn tại huyện Tuần Giáo, năm 2020 đến nay đã có 79 giáo viên thôi việc, chuyển ngành, chuyển công tác ra khỏi địa bàn. Trong đó có cô Lù Thị Bảy, giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông nghỉ việc đi theo “tiếng gọi tình yêu”. Cô Bảy, người huyện Điện Biên, ra trường gắn bó với giáo dục Tênh Phông và cũng là nơi cô quen biết chồng. Đến lúc tình yêu đơm hoa kết trái, cả 2 cùng về chung một nhà. Tuy nhiên gia đình chồng ở miền Nam, nên cô quyết định nghỉ việc, đi cùng người mình yêu. Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trường Nhà trường cho biết: “Cô Bảy có chuyên môn tốt, tâm huyết với học sinh. Chúng tôi rất tiếc khi cô thôi việc nhưng vì hạnh phúc của cô, nhà trường không thể níu giữ”.

Không chỉ 2 địa bàn trên, mà tình trạng biến động về đội ngũ ngành giáo dục do thuyên chuyển công tác, thôi việc tại địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra hàng năm và ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Năm học 2022 - 2023, đơn xin nghỉ việc, chuyển vùng mà ngành giáo dục nhận được vẫn tiếp tục nhiều thêm... Nhiều địa bàn tạo điều kiện tiếp nhận, hướng dẫn cán bộ, giáo viên làm thủ tục, hồ sơ giải quyết vào dịp hè này để tránh xáo trộn việc dạy và học.

Đau đáu nỗi niềm

Cô Đỗ Thị Thanh Ngoan tâm tư: “Mường Nhé là thanh xuân, với nhiều kỷ niệm, tình yêu thương mà có lẽ cả đời làm giáo viên không đâu có được. Nhưng con người ai mà không mong muốn được gần gia đình, phụng dưỡng bố mẹ. Nhà tôi lại neo người, bố mẹ mỗi năm thêm già yếu, không còn nhiều thời gian để ngóng con từ biên giới trở về mỗi khi tết đến”.

Mỗi cán bộ, giáo viên xin nghỉ việc, chuyển vùng đều có hoàn cảnh khác nhau, có những nỗi niềm riêng. Nhiều người trong số họ không ngại khó, ngại khổ, dành trọn tình yêu cho học trò đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên vì nỗi lòng người con, thiên chức làm mẹ, trách nhiệm làm vợ, làm dâu... mà đành chia tay với vùng cao.

Ngày quyết định nghỉ việc, rời trường, vội vã lên chuyến xe sớm ra thành phố để kịp giờ về quê, cô giáo Đỗ Thị Thanh Ngoan không cầm được nước mắt. Cả thanh xuân của cô đã gửi lại mảnh đất Mường Nhé nhiều gian khó. Năm 2009, từ quê hương Hải Phòng, với bao háo hức của tuổi trẻ, cô Ngoan cầm tấm bằng sư phạm Ngữ văn ngược ngàn lên Mường Nhé nộp hồ sơ xin việc. Cô nhận việc, luân chuyển qua nhiều trường biên giới, khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2017 - 2022, cô công tác tại Trường Phổ thông DTBT THCS Huổi Lếch.

Mỗi lần về quê thăm bố mẹ, cô Ngoan phải vượt chặng đường 800km với 3 lần lên xuống xe. Rồi lại ngược 800km, đón 3 lần xe trở lại trường. Một thân một mình ở mảnh đất xa xôi, cách trở, cô giáo Ngoan không khỏi nhiều lần tủi thân, chạnh lòng.

Một lý do nữa, cô không nói ra nhưng đồng nghiệp ai cũng chia sẻ, thấu hiểu. Đó là khao khát về một tổ ấm của riêng mình. Những năm tháng tuổi trẻ, cô luân chuyển công tác nhiều địa bàn. Sự biến động này có lẽ khiến cô vẫn chưa tìm được bến đỗ cho riêng mình. Ở vùng cao, sự lựa chọn đã ít, mỗi năm thêm tuổi lại càng thêm khó. Vậy nên lá đơn xin chuyển vùng đầu tiên được cô Ngoan gửi đi từ năm 2015. Đằng đẵng thời gian trôi qua, hồ sơ của cô vẫn chưa thể giải quyết do vướng mắc giấy tờ. Đến năm 2022, cô quyết định nghỉ việc, chia tay vùng cao.

Đây có thể là những tiết học cuối cùng mà cô giáo Nguyễn Thị Thương (Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn) được đứng lớp với học trò vùng cao Điện Biên.

Cùng huyện Mường Nhé, tháng 1/2023, vợ chồng cô Nguyễn Thị Thương, thầy Bùi Văn Thể (Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Leng Su Sìn) làm đơn xin chuyển vùng. Cô Thương giãi bày: “Tôi lên đây công tác từ năm 2011, đã lập gia đình và xây dựng nhà cửa kiên cố. Dù khó khăn vẫn luôn xác định gắn bó với mảnh đất này, chưa từng nghĩ rời đi. Nhưng tình hình gia đình có nhiều thay đổi, 2 vợ chồng quyết định về quê, trọn chữ hiếu với bố mẹ 2 bên và tròn trách nhiệm người cha, người mẹ”.

Được biết, gia đình nhà chồng cô giáo Thương ở Hòa Bình, có 7 anh em đều công tác xa nhà, hiện chỉ còn bố chồng hay đau ốm. Nhà ngoại thì ở Thái Bình, mẹ cô đã cao tuổi, vẫn một tay chăm lo cho cháu - con thứ 2 của vợ chồng cô Thương, từ khi 15 tháng đến nay đã 5 tuổi. Bố mẹ ngày càng già yếu, cần người chăm sóc, con thơ xa cha mẹ lâu ngày thiếu tình cảm gia đình. Vì thế vợ chồng cô quyết định xin chuyển về gần để tiện đi lại phụng dưỡng 2 bên nội, ngoại.

Không xa xôi như cô Thương, khoảng cách chỉ hơn 40km giữa huyện Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ, nhưng cô Trần Thị Bé, Trường THCS thị trấn Điện Biên Đông, vẫn luôn chạnh lòng khi nghĩ đến con cái. “Con lớn năm nay đã 17 tuổi nhưng tôi chưa một lần được đưa con đi khai giảng năm học mới. Cứ nghĩ đến con, nhất là những lần đau ốm mà mẹ đang bận công tác không về luôn được là lại thắt ruột gan” – cô tâm sự. Cô Bé công tác tại Điện Biên Đông từ năm 2005. Dù thường xuyên về nhà vào dịp cuối tuần nhưng bao trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, cô khó lòng trọn vẹn. Cô Bé đã nhiều lần xin chuyển vùng về gần gia đình để có thể chăm lo, đồng hành cùng các con lớn lên nhưng chưa được. Năm 2023 cô lại tiếp tục nộp đơn với nguyện vọng tha thiết ấy.

Cùng với những câu chuyện riêng, có nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, giáo viên ngành giáo dục phải dằn lòng “dứt áo” ra đi. Đó là những khó khăn chồng chéo của vùng cao, là trách nhiệm, “núi công việc” quá tải của trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là chế độ, chính sách chưa đáp ứng được cuộc sống thường ngày...

Bài 2: Nhiều nguyên nhân “chảy máu” nhân lực

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top