Nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên – Bài toán chưa có đáp án (bài 4)

15:09 - Thứ Tư, 31/05/2023 Lượt xem: 7574 In bài viết

Bài 4: Khó chồng khó

ĐBP - Năm 2022, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông qua truyền thông để kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ ứng tuyển giáo viên. Đồng thời, Sở cũng ban hành hàng loạt văn bản gửi các cấp kiến nghị không tinh giản giáo viên; đề nghị các trường đại học phối hợp giới thiệu nhân sự, đào tạo nhân lực các chuyên ngành... Thế nhưng khó chồng khó...

Bài 1: Giáo viên rời núi

Bài 2: Nhiều nguyên nhân “chảy máu” nhân lực

Bài 3: Không để gián đoạn việc học

Trong tình hình không tuyển được giáo viên mới, vẫn có trường hợp giáo viên xin chuyển vùng. Trong ảnh: Giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông có nguyện vọng về gần nhà sau nhiều năm công tác.

Nhiều vị trí “trắng” hồ sơ ứng tuyển

Từ tháng 10/2022 - 3/2023, huyện Tủa Chùa đã tổ chức 2 kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Kỳ đầu, chỉ tiêu 30, tuyển được 27. Kỳ sau, chỉ tiêu 92, có 62 hồ sơ đăng ký, 45 thí sinh trúng tuyển. Ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Số lượng người đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng. Một số vị trí việc làm không có người đăng ký (giáo viên Tiếng Anh, Tin học). Vừa qua có 5 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh nhưng không có hồ sơ nào dự tuyển. Do đó, sau 2 đợt tuyển dụng vẫn chưa tuyển hết chỉ tiêu đã được Sở Nội vụ phê duyệt”.

Bởi vậy năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Tủa Chùa thiếu 18 giáo viên Tiếng Anh (cấp tiểu học và THCS), 6 giáo viên Tin học và thiếu giáo viên so với định mức là 376 người. Ngày 6/4, huyện tiếp tục được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 45 chỉ tiêu, đang trong các quy trình tuyển dụng, nhưng hồ sơ giáo viên cho các môn chuyên biệt vẫn không khả quan.

Tại huyện Điện Biên Đông cũng vậy. Không “ngồi im” chờ thí sinh đến ứng tuyển, đích thân Trưởng phòng GD&ĐT huyện đã chủ động tìm người đủ điều kiện, mời lên công tác nhưng không như kỳ vọng. Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện kể lại: “Trong tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, tôi đã liên hệ mời được 2 người từ dưới xuôi lên tham khảo. Mình chi tiền xe cộ, ăn ở cho họ, hứa hẹn là nếu lên công tác sẽ sắp xếp dạy ở trường trung tâm. Tuy nhiên hôm trước, hôm sau thì họ bỏ về”. Bởi vậy, từ năm 2022 đến nay, Điện Biên Đông cũng không tuyển dụng hay tiếp nhận được giáo viên Tiếng Anh nào, chỉ có các hồ sơ xin chuyển đi là tăng thêm.

Đây là tình trạng chung trên toàn tỉnh. Năm học 2022 - 2023, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3, 7, 10. Căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao, ngành GD&ĐT đã đề nghị phê duyệt 493 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên các cấp từ mầm non đến THPT. Trong đó có 371 hồ sơ trúng tuyển.

Vận động đội ngũ giáo viên trẻ học văn bằng 2 để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới là một trong những giải pháp lâu dài.

Một số vị trí việc làm giáo viên có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển. Trong đó giáo viên tiểu học văn hóa 39 hồ sơ trúng tuyển/52 chỉ tiêu, Tiếng Anh 10 hồ sơ trúng tuyển/48 chỉ tiêu, Tin học có 8 hồ sơ trúng tuyển/24 chỉ tiêu; Âm nhạc 8 chỉ tiêu, Mỹ thuật 7 chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ đăng ký.

Theo Luật Giáo dục năm 2019, trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, THCS được nâng lên đại học, do vậy thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học, giáo viên ở một số môn chuyên biệt để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Dự báo nguồn tuyển giáo viên tiếp tục gặp khó khăn khi triển khai chương trình mới lớp 4, 8, 11 năm học 2023 - 2024 và lớp 5, 9, 12 năm học 2024 – 2025.

Tính giải pháp lâu dài

Trước dự báo tình hình ấy, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã chủ động các giải pháp để chuẩn bị nguồn nhân lực cho những năm tiếp theo. Từ tháng 3/2022, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các huyện báo cáo chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, ưu tiên các môn chuyên biệt. Trên cơ sở đó tổng hợp làm văn bản gửi các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm các môn trên, phối hợp giới thiệu tới các sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp của trường. Để các em nghiên cứu, xem xét, liên hệ, tham gia tuyển dụng. Cùng với đó, ngành khảo sát số lượng sinh viên người địa bàn, đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để trao đổi thông tin 2 chiều về nhu cầu tuyển dụng với định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng 2 nếu sinh viên có nhu cầu.

Không chỉ vậy, ngành tuyên truyền, vận động đội ngũ giáo viên trẻ học văn bằng 2 để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đầu năm 2023, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) mở lớp đào tạo liên thông và văn bằng đại học thứ hai, ngành ngôn ngữ Anh, niên khóa 2023-2025, theo hình thức vừa học vừa làm. Tham gia lớp đào tạo có 34 học viên, trong đó 28 học viên đang công tác trong ngành GD&ĐT tỉnh. Lớp đào tạo được mở ra nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần bù đắp thiếu hụt giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh trong những năm tới.

Một giải pháp lâu dài để tạo nguồn, “lấp khoảng trống” lớn về giáo viên mà tỉnh ta xác định là triển khai chế độ cử tuyển. Tuy nhiên có cơ chế mà vẫn thiếu hồ sơ. Năm 2022, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt hơn 50 chỉ tiêu cử tuyển đại học, bao gồm các ngành: sư phạm Tiếng Anh, sư phạm Tin học, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật. Cùng các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cao, gồm: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (đào tạo sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc); Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ngành sư phạm Tiếng Anh); Đại học Sư phạm Hà Nội (sư phạm Tin học).

Ngành GD&ĐT ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp để giảm áp lực cho giáo viên.

Ngành và trường đào tạo đều rất “hấp dẫn”, thế nhưng ngưỡng điểm đầu vào cao, học sinh đăng ký ít, nên tỉnh ta lại tiếp tục gặp khó khăn với giải pháp này. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT không giấu sự tiếc nuối, cho biết: “Cả tỉnh chỉ thực hiện được hơn 10 suất cử tuyển các chuyên ngành. Số lượng quá ít, các trường đại học lớn kể trên đều không nhận. Vì thế các sinh viên ngành Tiếng Anh, Tin học phải chuyển sang học Trường Đại học Hùng Vương và Đại học Tây Bắc. Ngành Âm nhạc, Mỹ thuật cũng vậy, dự kiến chuyển sang năm 2023 đợi đủ lớp để mở, nhưng các em cũng có những dự định riêng, có em đã chuyển hướng khác”.

Ngoài các phương án trên, để giảm áp lực cho cán bộ, giáo viên, ngành GD&ĐT xác định ưu tiên bố trí giáo viên thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp, rồi mới đến trẻ nhà trẻ. Tiếp tục phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tích cực thực hiện các giải pháp về rà soát sắp xếp quy mô trường, lớp nhằm tiết kiệm biên chế, như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện bố trí, sắp xếp tăng số học sinh/lớp, giảm số lớp ở cấp học phổ thông; sắp xếp số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hợp lý đảm bảo sử dụng hiệu quả biên chế được giao... Đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm giảm áp lực đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Hầu hết các giải pháp trên cần có thời gian để thực hiện. Công tác đào tạo, bố trí cán bộ cũng không thể một sớm một chiều. Trong khi, nhiệm vụ giáo dục thì vẫn phải thực hiện hàng ngày. Ngành có thể thiếu giáo viên, nhưng học sinh không thể gián đoạn việc học. Vậy làm thế nào để tạo động lực, khích lệ, “giữ chân” các cán bộ, giáo viên hiện đang công tác?

Bài 5: Cần nhiều sự sẻ chia và chính sách để “giữ chân” giáo viên

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top