Bài 3: Không để gián đoạn việc học
ĐBP - Nhân lực giáo dục vùng cao vốn đã thiếu từ nhiều năm nay, lại thêm tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Chưa kịp tuyển mới thì người cũ đã rời đi. Vấn đề này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên, xáo trộn không nhỏ công tác giáo dục của các nhà trường... Cán bộ, giáo viên các địa bàn đã phải “gồng mình” xoay xở, nỗ lực không để một trường, lớp nào bị gián đoạn việc học và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học đề ra.
Khoảng trống khó lấp đầy
Có lẽ chưa từng có tiền lệ, Trường Mầm non Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) hơn 1 năm trời không có Hiệu trưởng, Hiệu phó. Trước đó, năm 2021, cô Bùi Thị Thanh, Phó hiệu trưởng phụ trách nghỉ việc vì lý do cá nhân. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đang thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, mà trường không thể một ngày không có người đứng đầu.
Để đảm bảo công tác lãnh, chỉ đạo Nhà trường, suốt thời gian sau đó, địa phương phải phân công ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm phụ trách, điều hành. Trong khi Huổi Lếch cách trung tâm huyện gần 40km, 1/2 chặng là đường cấp phối xuống cấp nghiêm trọng. Cùng lúc “gánh” 2 trọng trách, không thể tránh khỏi những lúc thiếu sót hoặc chưa kịp thời, các nhiệm vụ, vấn đề phát sinh phải thông tin, báo cáo từ xa.
Đến tháng 10/2022, huyện Mường Nhé mới bố trí được 1 Phó hiệu trưởng phụ trách và 1 Phó hiệu trưởng cho Trường Mầm non Huổi Lếch. “Biết là bất cập, nhưng công tác cán bộ không thể trong ngày một, ngày hai, nhất là cán bộ quản lý. Ngành phải cân đối, rà roát trên toàn địa bàn, nhưng trong bối cảnh chung trường nào cũng thiếu nên hết sức khó khăn”, ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện giãi bày.
Còn tại Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Nhé, từ năm 2020 đến nay trường có 4 giáo viên chuyển công tác về quê (Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam...) trong đó 3 giáo viên cốt cán, dạy giỏi cấp tỉnh. Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Để gây dựng, bồi dưỡng 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhanh thì 6 - 7 năm, không thì 8 - 9 năm. Chúng tôi có 7 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh thì có đến 3 người chuyển công tác, là thất thoát lớn cho công tác giáo dục Nhà trường”.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường trong toàn tỉnh, giáo viên chuyển vùng phần lớn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Không nói riêng đến việc mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao, mà đánh giá chung việc giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng làm ngành giáo dục vốn đã thiếu giáo viên càng thêm thiếu trầm trọng, gây khó khăn rất lớn trong việc bố trí cán bộ quản lý, giáo viên phục vụ các mục tiêu của năm học.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: “Thiếu cán bộ quản lý làm giảm hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Thiếu nhân lực gây áp lực rất lớn cho giáo viên, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Cá biệt có đơn vị chỉ đủ bố trí 1 giáo viên/lớp, trong khi không có cơ sở để chi trả chế độ tăng giờ cho loại hình giáo viên này. Đối với các cấp phổ thông, việc không đảm bảo số lượng giáo viên lên lớp, làm phát sinh tăng giờ cho giáo viên, nhưng ngân sách địa phương không đủ để chi trả đầy đủ chế độ tăng giờ. Không ít giáo viên phải tham gia giảng dạy tại nhiều đơn vị, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác, gây khó cho công tác quản lý, bố trí phân công giảng dạy...
“Cân đong đo đếm” từng tiết dạy
Để đảm bảo việc dạy và học, ngành GD&ĐT phải xoay xở nhiều cách. Trong đó ở nhiều nơi, 1 giáo viên phải “chạy xô” - dạy liên trường, liên cấp, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt.
Ở Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, sau khi 1 giáo viên Tiếng Anh xin nghỉ việc. Để đáp ứng yêu cầu chương trình mới đối với lớp 3 (Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc), nhà trường phải “mượn” giáo viên từ trường khác sang. Từ đầu năm học 2022 - 2023, thầy Lò Văn Pọm (Trường Tiểu học - THCS Tỏa Tình) được Phòng GD&ĐT huyện ra quyết định giao nhiệm vụ đảm nhận thêm 12 tiết Tiếng Anh/tuần tại Tênh Phông. Do cách nhau khoảng 40km, 2 nhà trường phải trao đổi, thống nhất với nhau để bố trí, sắp xếp lịch giảng dạy cho thầy Pọm một cách hợp lý.
Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông cho hay: “Để thầy giáo Pọm có thể cùng lúc giảng dạy ở 2 địa bàn, Ban giám hiệu 2 trường đã phải nhiều lần trao đổi. Phương án đưa ra là học sinh Tênh Phông sẽ học Tiếng Anh nửa đầu tuần và Tỏa Tỉnh nửa cuối tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch cứng. Còn thực tế, có khi phải thay đổi lịch, do tác động từ nhiều yếu tố khách quan. Kéo theo đó thì kế hoạch nhà trường và các bộ môn khác buộc phải thay đổi cho phù hơp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên dạy liên trường và đảm bảo đầy đủ số tiết, tiến độ chương trình cho học sinh”.
Thầy Hà cũng cho biết thêm, do hạn chế về nhân lực, để đáp ứng việc dạy và học, Trường cũng đã “co” từ 11 lớp cấp tiểu học xuống 10 lớp; giáo viên môn Tin học, Mỹ thuật dù biên chế ban đầu dạy 1 cấp nhưng nay đều được bố trí dạy song song 2 cấp. Việc quy đổi tiết giữa tiểu học với THCS được tính toán cẩn thận, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, cụ thể thời lượng, định mức 4 tiết cấp tiểu học bằng 3 tiết cấp THCS.
Không riêng thầy Pọm mà tại huyện Tuần Giáo, trong năm học 2022-2023 có 24 giáo viên phải giảng dạy tại 2 cơ sở giáo dục, trong đó: 2 giáo viên Âm nhạc; 5 giáo viên Mỹ thuật; 9 giáo viên Tiếng Anh, 8 giáo viên Tin học. Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Đối với những môn chuyên, môn năng khiếu, do đang thiếu giáo viên nên Phòng đã tham mưu UBND huyện ủy quyền cho Trưởng phòng sử dụng phương án phân công giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy tại 2 hội đồng giáo dục. Số tiết dạy đảm bảo theo đúng định mức quy định, để khắc phục kịp thời tình trạng lệch về cơ cấu và nâng cao hiệu quả sử dụng lao động”.
Không chạy đi chạy lại giữa các trường, nhiều thầy cô phải tăng tiết, tăng giờ vượt định mức. Nếu dạy riêng từng lớp như bình thường, thì mỗi giáo viên Tiếng Anh Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) phải “gồng gánh” đến 42 tiết/tuần - con số quá tải, bất khả thi (định mức giáo viên trường bán trú tiểu học là 21 tiết/tuần).
Hiện Trường có 40 lớp với hơn 1.000 học sinh. Trong đó, 21 lớp khối 3, 4, 5 học môn Tiếng Anh, số lượng 4 tiết/tuần/lớp (tổng 84 tiết/tuần). Theo đúng định mức thì Trường cần 4 giáo viên Tiếng Anh. Thế nhưng Trường hiện chỉ có 2 giáo viên bộ môn này, không có thêm giáo viên tăng cường hay dạy liên trường, liên cấp.
Thầy Trần Đăng Vượng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Xá Nhè chia sẻ: 1 giáo viên không thể đứng 42 tiết/tuần. Trong điều kiện thiếu giáo viên toàn ngành, chúng tôi phải linh hoạt sắp xếp lịch giảng dạy và ghép lớp học tiết Tiếng Anh theo khối lớp, tùy tình hình. Không có công thức hay thời gian biểu cố định nào. Dù làm như vậy nhưng số tiết mà mỗi giáo viên vẫn phải tăng giờ và có khi còn phải dạy buổi chiều. Biết như vậy là áp lực cho giáo viên nên khi triển khai, Trường sắp xếp trên cơ sở tình nguyện cao, chia sẻ của giáo viên. Đồng thời luôn động viên, khích lệ các cô. Mục đích cuối cùng mà mỗi thầy cô đều mong muốn là làm sao học trò không bị thiệt thòi, được tham gia các môn học theo đúng chương trình và có hiệu quả.
Cùng với các giải pháp trên, hệ thống GD&ĐT các địa bàn đều thực hiện sắp xếp quy mô trường, lớp nhằm tiết kiệm biên chế, tăng số học sinh/lớp, giảm số lớp. Tổ chức rà soát, xây dựng phương án, thực hiện điều chuyển biệt phái giáo viên từ nơi đủ, nơi thiếu ít, đến nơi thiếu nhiều; bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp các môn đặc thù. Đồng thời tuyển dụng bổ sung giáo viên, hợp đồng với giáo viên trong tổng chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Dự báo tình hình các năm học tiếp theo, nhất là triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, nhân lực ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt tiếp tục thiếu nhiều hơn nữa, cần những giải pháp lâu dài...
Bài 4: Khó chồng khó