Nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên – Bài toán chưa có đáp án (bài 5)

14:30 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 6734 In bài viết

Bài 5: Cần nhiều sự sẻ chia và chính sách để “giữ chân” giáo viên

ĐBP - Công tác tại địa bàn miền núi, còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh ta gặp nhiều cản trở, đôi khi nản lòng, muốn bỏ cuộc. Bởi vậy, cần nhiều sự sẻ chia, quan tâm, những cách làm có tình có lý, cùng các chế độ, chính sách phù hợp, xứng đáng để “giữ chân” cán bộ, giáo viên, nhất là trong tình hình nhân lực giáo dục đang thiếu trầm trọng.

Bài 1: Giáo viên rời núi

Bài 2: Nhiều nguyên nhân “chảy máu” nhân lực

Bài 3: Không để gián đoạn việc học

Bài 4: Khó chồng khó

Cô Điêu Thị Điệp được chuyển từ Trường Mầm non Pú Xi về Trường Mầm non Quài Cang sau 10 năm công tác vùng khó.

“Nước chảy xuôi dòng”

Những năm tuổi trẻ, nhiều thầy, cô đã cống hiến hết mình cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Nước chảy xuôi dòng”, ai cũng muốn về gần với gia đình, phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu, cùng gánh vác việc nhà với chồng/vợ, chăm sóc con cái trưởng thành... Bởi vậy không ít người tâm tư, mong muốn chuyển vùng, thậm chí bất đắc dĩ chuyển ngành, thôi việc. Vì thế, tạo điều kiện về vùng thấp cho giáo viên nhiều năm cống hiến là một trong những cách làm hợp tình, hợp lý, giúp “giữ chân” giáo viên với nghề.

Từ năm 2020 - 2022, huyện Điện Biên tiếp nhận 88 viên chức sự nghiệp giáo dục chuyển từ các huyện khác về. Còn đối với TP. Điện Biên Phủ, năm 2020, 2021 đã tiếp nhận 109 giáo viên các cấp, bù số viên chức giáo dục còn thiếu so với số lượng được giao hàng năm.

Hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều giải quyết nguyện vọng chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp cho nhiều cán bộ, giáo viên. Ngoài chuyển về quê (ngoại tỉnh), việc chuyển trong tỉnh, trong huyện, trong trường cũng thường xuyên được thực hiện - từ các huyện vùng cao về huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ; từ các xã vùng sâu, vùng xa về vùng thấp; luân chuyển giữa các điểm bản cách trở, điểm bản thuận lợi và trường trung tâm... Dịp hè này, là cơ hội cho nhiều giáo viên vùng khó có nguyện vọng về gần nhà hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuyển vùng.

Ở quy mô huyện cũng vậy, ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuần Giáo cho biết: “Những năm gần đây, ngành GD&ĐT huyện chú trọng nắm hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên để tạo điều kiện giải quyết cho họ về gần gia đình. Hàng năm khi tuyển được giáo viên mới, chúng tôi ưu tiên giáo viên đã công tác trên 5 năm ở các xã vùng sâu, vùng xa trở về vùng thuận lợi, tạo tâm lý tích cực, tiếp tục cống hiến cho các cô. Những trường hợp năm nay chưa về được vẫn thoải mái, tin tưởng chờ năm tiếp sau”.

Trường Mầm non Quài Cang - gần trung tâm huyện, từ năm học 2020 đến nay tiếp nhận 11 giáo viên chuyển từ các trường vùng khó về: Pú Xi, Ta Ma, Mường Mùn... Trong đó có 6 cô giáo từ Pú Xi - địa bàn khó khăn, xa xôi nhất huyện. Cô Điêu Thị Điệp là một trong những trường hợp ấy. Cô Điệp ra trường, nhận công tác tại Pú Xi từ tháng 9/2011 và được phân công lên điểm bản Hua Mùn cách trung tâm xã hơn 1 tiếng đường rừng, đến mùa mưa thì cuốc bộ 3 tiếng đồng hồ. Thời điểm ấy, lớp học thưng bằng tre nứa, chỉ có nửa vách dưới. Nơi ở của cô là túp lều gianh. Tối đến, mỗi tiếng động đều làm cô giáo trẻ sợ hãi, thức trắng nhiều đêm. Trải qua bao gian khó, cô Điệp đã gắn bó 10 năm với Pú Xi và khẳng định năng lực, được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cô mong muốn được chuyển về gần nhà.

Cô Điệp tâm sự: “Gia đình tôi ở thị trấn Tuần Giáo; lấy chồng là thầy giáo tiểu học cùng địa bàn Pú Xi, người Sơn La. Sau khi sinh con, vì thời tiết trên Pú Xi khắc nghiệt, đồ ăn thức uống không đa dạng nên cháu hay ốm đau. Khi con 1 tuổi, tôi phải cai sữa cho cháu, gửi về bà ngoại chăm. Cũng vì thế mà 2 vợ chồng chưa dám sinh con thứ 2. Cháu đầu sắp 10 tuổi nên tôi quyết định viết đơn xin về vùng thấp, nguyện vọng xuống làm giáo viên để gần nhà, tính sinh bé nữa”. Được sự tạo điều kiện của ngành, tháng 3/2021, cô Điệp chuyển công tác về Trường Mầm non Quài Cang.

Phụ huynh một số điểm bản xa của xã Vàng Đán tự tay nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn cho con em mình tại điểm trường.

Từ trường vùng cao xuống trung tâm, ban đầu không khỏi bỡ ngỡ và chưa thể hòa nhập, thế nhưng sau bao nỗ lực, mới đây cô Điệp đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô Vũ Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quài Cang tự hào cho biết: “Hiện trường có 5/12 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3/4 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh là giáo viên chuyển từ vùng khó về. Khi mới chuyển về, trên cơ sở xem xét hoàn cảnh gia đình, sở trường, năng lực, chúng tôi phân công nhiệm vụ phù hợp; tạo điều kiện chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các giáo viên; để mỗi cô đều nhanh chóng hòa nhập, thỏa sức sáng tạo, thể hiện năng lực bản thân...”

San sẻ khó nhọc cho giáo viên

Giáo viên vùng cao phải gồng gánh rất nhiều công việc. Đặc biệt với các giáo viên mầm non, tiểu học tại các điểm bản, vừa giảng dạy, chăm sóc học sinh, vừa tranh thủ nấu ăn trưa cho các em. Để san sẻ với giáo viên, ở nhiều địa bàn đã huy động được sự góp sức của phụ huynh trong công việc nấu ăn tại điểm bản.

Tại Trường Mầm non Vàng Đán, huyện Nậm Pồ, từ năm học 2021 - 2022 đã nhận được sự đồng thuận, tự nguyện đóng góp của hội phụ huynh một số bản hỗ trợ kinh phí vận chuyển thức ăn từ trường trung tâm lên điểm bản (20.000 đồng/ngày/điểm). Sang năm học 2022 - 2023, thay vì đóng tiền vận chuyển, 6/9 điểm trường có phụ huynh trực tiếp nấu ăn cho trẻ tại lớp. Việc phân công phụ huynh tham gia nấu do chính quyền bản, ban đại diện cha mẹ trẻ thống nhất, thường là luân phiên 2 hộ/buổi.

Cô Lò Thị Khoa, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Nhờ có phụ huynh đến nấu ăn, giáo viên chuyên tâm hơn cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngược lại, khi tham gia như vậy, phụ huynh luôn yên tâm và tin tưởng, thấy được chế độ ăn của con em mình một cách công khai. minh bạch. Nhờ đó học sinh ở các điểm bản đi học ngày càng đều hơn”.

Bớt cách trở hơn Vàng Đán, Trường Mầm non Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có 4 điểm bản, đường đi hầu hết đã bê tông hóa. Được sự đồng thuận cao của phụ huynh, từ tháng 2/2023, Trường tổ chức vận chuyển thức ăn nấu tại trường trung tâm đi 3 điểm bản (cách 7 - 10km) và vẫn tổ chức nấu tại 1 điểm bản xa. Việc chuyên chở đều do phụ huynh điểm bản luân phiên nhau hàng ngày.

Phụ huynh các bản thuộc xã Tỏa Tình đến chở đồ ăn cho học sinh mầm non từ trường trung tâm về điểm bản.

Anh Vừ A Minh có con học lớp ghép 3+4+5 tuổi, điểm bản Chế Á. Từ khi triển khai, anh đã 2 lần đi chở đồ ăn. Anh Minh cho hay: “Nấu tại điểm bản thì vất vả nên chúng tôi rất ủng hộ việc đưa cơm từ trường chính về. Bản tự làm 1 kệ đựng các hộp đồ ăn, chằng vào xe máy cho phụ huynh đi chở. Mỗi nhà có con học ở điểm trường sẽ “thầu” 1 ngày. Sáng thì đến lấy đồ đưa về bản, chiều đến dọn dẹp, rửa bát một lúc nữa là xong. Không mất nhiều thời gian đâu, điểm trường có 43 cháu, nên gần 2 tháng mới đảo đến lượt mình”.

Còn nhiều việc làm dù nhỏ bé để sẻ chia, vơi bớt áp lực cho giáo viên vùng cao. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn, Mường Nhé, thầy Lò Văn Biển, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Hàng năm, trước khi vào năm học mới, nhà trường đều tổ chức họp động viên, khích lệ, lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên về các nhiệm vụ năm học mới và lấy tinh thần xung phong, tự nguyện đi điểm bản, không gò ép. Dịp nghỉ lễ, tết, nghỉ hè, không phân giáo viên trực trường để thầy cô có thời gian trọn vẹn bên gia đình. Trường thường xuyên nắm tình hình, hoàn cảnh gia đình các cán bộ, giáo viên, có sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời; huy động giáo viên giúp nhau ngày công khi 1 gia đình có việc lớn...”

Công tác chăm lo và đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên được ngành GD&ĐT xác định là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó đảm bảo chế độ, chính sách, chi trả kịp thời tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên, để họ ổn định, yên tâm công tác. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục, ngành GD&ĐT tham mưu và kêu gọi các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, đặc biệt là hệ thống nhà công vụ, bếp nấu ăn… tại các điểm trường, để giáo viên cắm bản có đời sống sinh hoạt đảm bảo, yên tâm bám trường bám lớp.

Nhưng với những khó khăn vốn có, cán bộ, giáo viên vùng cao cần thêm những chính sách đặc thù; sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp. Như cơ chế hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019; bổ sung nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên hằng năm để chi trả chế độ tăng giờ, chế độ đi học cho viên chức, chế độ hợp đồng một số loại công việc; quan tâm ưu tiên phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng phòng học có diện tích theo quy định của Bộ GD&ĐT để thực hiện tăng sĩ số học sinh trên lớp, giảm áp lực thiếu giáo viên...

Các giải pháp đã đặt ra cùng sự quan tâm, sẻ chia chân thành sẽ góp phần quan trọng thu hút, giữ chân giáo viên, “giải bài toán” thiếu nhân lực, đảm bảo nhiệm vụ giáo dục những năm tiếp theo tại địa bàn tỉnh ta.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top