ĐBP - Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa) có học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đạt mục tiêu đề ra về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, nhà trường không chỉ chú trọng bổ sung kiến thức mà các thầy cô giáo còn đảm nhận nhiệm vụ đồng hành cùng học sinh, giúp các em vững tin bước vào kỳ thi quan trọng.
Đồng hành cùng học trò
Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Những ngày này, thầy Bùi Duy Hưng, giáo viên Trường THCS - THPT Quyết Tiến luôn túc trực tại trường. Năm học này, thầy Hưng đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp 12C. Để giúp học trò đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới, thầy Hưng không chỉ đồng hành cùng các em trong việc ôn luyện kiến thức mà còn luôn quan tâm, nắm bắt tâm lý của từng học sinh.
Thầy Hưng cho biết: Lớp 12C có 31 học sinh, trong đó 17 học sinh ở nội trú tại trường, số còn lại sống cùng gia đình. Phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình khó khăn nên phụ huynh chủ yếu chỉ lo làm kinh tế, ít quan tâm đến việc học của con. Nếu giai đoạn này tôi không sâu sát thì các em dễ chệch choạc và ảnh hưởng đến kết quả cả hành trình học tập. Chưa kể, đây là năm đầu tiên trường tham dự kỳ thi tốt nghiệp TPHT nên cả thầy và trò đều phải nỗ lực hết mình.
Chính vì suy nghĩ đó, ngày nào thầy Hưng cũng lên đường từ sáng sớm, vượt quãng đường dài 18km đến lớp. Sĩ số học sinh được thầy nắm rõ từng ngày. Với trường hợp vắng mặt, thầy Hưng lập tức liên hệ hoặc trực tiếp đến tận nhà tìm hiểu, nhắc nhở. Để thuận tiện trong việc trao đổi, nắm bắt tình hình từng em, thầy Hưng lập nhóm zalo lớp. Mỗi ngày, các thành viên trong lớp đều tự giác gửi tin nhắn, hình ảnh cập nhật quá trình ôn tập, vướng mắc của bản thân. Ngoài ra, để làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ học sinh, thầy Hưng còn thường xuyên phối hợp với các giáo viên bộ môn. Vừa nắm bắt sĩ số, tình hình học tập, đồng thời tham gia giải quyết, gỡ vướng cho từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, mặc dù là giáo viên Tin học, không phải ôn thi tốt nghiệp, song với kinh nghiệm gần 20 năm đứng lớp, thầy Hưng tự tin trong việc nắm bắt, đồng hành cùng học sinh của mình.
Là học sinh có lực học đứng tốp đầu trong lớp, song em Sùng Thị A vẫn khá lo lắng trước kỳ thi quan trọng sắp tới. Không chỉ băn khoăn lựa chọn nên tìm việc làm hay học lên đại học vì điều kiện gia đình khó khăn; A còn lo lắng khi nghĩ đến quá trình di chuyển, nơi ăn, chốn nghỉ trong những ngày thi. Sau nhiều lần chia sẻ, nắm bắt tình hình, thầy Hưng đã động viên, khích lệ tinh thần và vận động A vào nội trú ở để tập trung cho việc ôn tập.
A chia sẻ: Sau khi được thầy giáo đồng hành, hỗ trợ thì em thấy bớt lo lắng hơn. Hiện nay em đang tập trung toàn bộ thời gian để ôn luyện, với quyết tâm là thi đỗ đại học. Em dự tính theo học tại các trường quân sự để phù hợp với hoàn cảnh gia đình.
Sẵn sàng cho kỳ thi
Chúng tôi đến thăm trường THCS - THPT Quyết Tiến, sau khi sáp nhập từ năm 2018 đến nay. Năm học 2022 – 2023 là năm học đầu tiên trường có sĩ tử tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không khí ôn luyện ở đây diễn ra rất sôi nổi. Trong những ngày “nước rút” trước kỳ thi, ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo còn sắp xếp thời gian đến từng phòng nội trú vào buổi tối để nhắc nhở, chỉ dẫn cho học sinh nắm kỹ từng nội dung bài học.
Với đặc thù thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, trường có 100% học sinh là dân tộc thiểu số. Đặc biệt, một số em dù đang học cấp 3 nhưng đã xây dựng gia đình. Vì vậy, so với mặt bằng chung thì lực học của học sinh nhà trường tương đối thấp. Trong khi đó, đây lại là năm học đầu tiên trường có học sinh lóp 12 tham gia thi tốt nghiệp THPT, với tổng số 88 em. Do chưa có kinh nghiệm, xuất phát điểm lại thấp nên để đảm bảo chuẩn bị tốt cho kỳ thi thì thời gian qua trường đã chủ động học hỏi ở nhiều nơi, bằng nhiều cách. Đặc biệt, trường đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành giáo dục địa phương từ chuyên môn đến công tác chuẩn bị cơ sở vật chất.
Thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để giúp trường trong công tác ôn tập, ngay từ đầu tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn công tác gồm 4 thầy, cô giáo ở các bộ môn đến hỗ trợ. Ngoài ra, trường cũng cử nhiều đoàn giáo viên đi học hỏi kinh nghiệm tại các trường trong cùng địa bàn; tổ chức hội thảo ôn thi tốt nghiệp trong cụm thi đua nhằm nắm bắt kinh nghiệm, đồng thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ. Qua những lần trao đổi, hội thảo, các thầy cô học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp nâng cao trình độ bản thân. Dựa trên việc phân tích điều kiện thực tế và tình hình học sinh, mỗi thầy cô sẽ linh hoạt áp dụng trong quá trình giảng dạy, làm sao để phù hợp, hiệu quả nhất.
Về phía nhà trường, công tác ôn thi tốt nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm học, với 4 giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn đều có thi thử, để đánh giá, phân loại học sinh và xây dựng phướng án ôn tập, bổ trợ phù hợp. Dựa trên kết quả các đợt thi thử, trường thành lập lớp bổ trợ 6 môn dành cho học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thời gian ôn luyện là vào các ca lỡ (từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút; 19 giờ - 21 giờ 30 phút). Để đảm bảo công tác quản lý và ôn tập, cùng với 50 học sinh lớp 12 đang ở nội trú, trường vận động hơn 30 em còn lại vào ở tập trung. Toàn bộ việc ôn tập, ăn uống sinh hoạt của các em do nhà trường hỗ trợ. Nguồn kinh phí này được tính toán, cân đối từ khoản dôi dư trong chế độ cho học sinh nội trú và kêu gọi xã hội hóa. Nhờ vậy, hiện tại tất cả học sinh đều hoàn toàn yên tâm và dành toàn bộ ưu tiên cho việc ôn luyện. Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường sẽ tạo được dấu ấn tốt đẹp, đáng ghi nhớ trong năm học đầu tiên có học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thầy Lê Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quyết Tiến (huyện Tủa Chùa): Mặc dù là năm đầu có học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, xuất phát điểm lại thấp, song nhà trường phấn đấu có từ 98% học sinh trở lên đỗ tốt nghiệp. Đây là mục tiêu khá cao so với tiềm lực hiện có. Tuy nhiên, trường đã đặt ra mục tiêu cụ thể đồng thời tăng cường động viên, khích lệ để cả thầy và trò cùng nỗ lực, quyết tâm thực hiện.