Ngày 1-8, tại Đại học Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Luật GDĐH quy định Bộ GD-ĐT phải xây dựng chuẩn cơ sở GDĐH, là cơ sở để thực hiện quy hoạch mạng lưới đại học. Khi có chuẩn thì các địa phương sẽ chuẩn bị được quỹ đất, nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới đại học.
“Quy hoạch rất quan trọng, không chỉ về cơ sở vật chất, con người, nguồn lực. Muốn thế phải có các căn cứ để xây dựng quy hoạch, và chuẩn chính là để điều kiện thực hiện quy hoạch”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu rõ.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, điều kiện thành lập 1 trường đại học chỉ là ban đầu, nhưng khi đi vào hoạt động phải đạt các chuẩn do Bộ GD-ĐT cấp phép. Ví dụ, sau một thời gian quy mô đại học tăng lên thì điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động sẽ khác ban đầu. Người học, cơ quan quản lý cần có các thông tin, cơ sở để đánh giá một cơ sở GDĐH. Với xu thế các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng tăng cường khâu hậu kiểm, không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường, nên chuẩn cơ sở GDĐH là rất quan trọng để các trường căn cứ vào đó hoạt động bảo đảm chất lượng.
Theo yêu cầu của Luật GDĐH, có 2 chuẩn mới là cơ sở GDĐH và chuẩn chương trình đào tạo để các trường đại học triển khai, bảo đảm yêu cầu khi đi vào hoạt động.
“Chuẩn cơ sở GDĐH là vấn đề khó, đặt ra yêu cầu về đổi mới quản lý GDĐH. Chuẩn cần quy định những yếu tố trọng yếu của cơ sở GDĐH, khi đưa vào thực hiện phải bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, dễ giám sát. Bộ GD-ĐT mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nêu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết, chuẩn cơ sở GDĐH gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí. Chuẩn cơ sở GDĐH quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của một cơ sở GDĐH làm cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH, thẩm định và giám sát điều kiện hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; giảm thiểu rủi ro cho người học và các bên liên quan khác, tiền đề phát triển bền vững.
6 tiêu chuẩn gồm: tổ chức và quản trị (4 tiêu chí); giảng viên (4 tiêu chí); điều kiện học tập (5 tiêu chí); tài chính (4 tiêu chí); tuyển sinh và đào tạo (5 tiêu chí); nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (2 tiêu chí).
Bộ GD-ĐT dự kiến công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH của các cơ sở đào tạo trước ngày 30-6 hàng năm, bắt đầu từ năm 2025. Thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH, đảm bảo đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn cơ sở GDĐH từ năm 2025. Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học thông qua kết quả thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, các trường đại học rất quan tâm đến chuẩn này, tuy nhiên, vẫn còn các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đơn cử, các trường cho rằng, đã có chuẩn để kiểm định tại sao lại có thêm chuẩn cơ sở GDĐH.
Theo bà Thủy, chuẩn cơ sở GDĐH là các điều kiện tối thiểu mà cơ sở GDĐH phải đáp ứng hàng năm; còn chuẩn kiểm định là thiên về sứ mạng, tầm nhìn của trường, để đánh giá sứ mạng của trường ĐH theo chu kỳ. Chuẩn cơ sở GDĐH là cơ sở để thực hiện quy hoạch GDĐH, xem xét điều kiện hoạt động của từng trường. Các trường đại học đặc thù sẽ có ngưỡng chuẩn thấp hơn so với các trường khác.
Một số ý kiến cũng đề nghị xem xét không quy định chuẩn chung đối với trường nghiên cứu và ứng dụng, có đào tạo tiến sĩ và không đào tạo tiến sĩ… Nhưng theo bà Thủy, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, do đó chuẩn sẽ quy định chung về tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ, kết quả nghiên cứu khoa học…