Giúp học sinh không “ngồi nhầm lớp”

10:35 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 4272 In bài viết

Vài ngày qua, thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hơn 52.000 học sinh lớp 1 trên cả nước xếp loại “Chưa hoàn thành” chương trình năm học 2022-2023 thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến lo ngại, liệu rằng tình trạng này phải chăng là do chương trình giảng dạy mới chưa phù hợp...

Khẳng định tinh thần đánh giá học sinh bảo đảm đúng thực chất, tránh “ngồi nhầm lớp”, ngành Giáo dục đã và đang có nhiều giải pháp củng cố kiến thức, hỗ trợ học sinh trong dịp hè, giúp các em học tập tốt hơn trước khi năm học mới bắt đầu.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Không phải là con số đột biến

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, cả nước có hơn 105.000 học sinh tiểu học xếp loại “Chưa hoàn thành”, chiếm tỷ lệ 1,14% trong tổng số hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học. Trong số này, có hơn 52.000 học sinh lớp 1, chiếm tỷ lệ 2,9% trong tổng số hơn 1,7 triệu học sinh lớp 1 của cả nước.

Thông tin này thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, việc đánh giá học sinh như vậy liệu có đi ngược lại với tinh thần động viên, khích lệ học sinh tiểu học như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không? Có người lo ngại, phải chăng chương trình giảng dạy với học sinh lớp 1 hiện nay quá nặng khiến nhiều em khó đáp ứng… Lại có ý kiến khác cho rằng đây là con số khách quan thể hiện tinh thần không vì thành tích.

Thông tin rõ hơn về số liệu này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết, trong số hơn 52.000 học sinh xếp loại “Chưa hoàn thành”, số học sinh khuyết tật, học sinh vùng dân tộc thiểu số, lớp ghép… chiếm khá nhiều. Con số đánh giá chất lượng dạy học ở bậc tiểu học, trong đó có lớp 1 không khác biệt so với các năm trước. Số học sinh lớp 1 xếp loại “Chưa hoàn thành” thường chiếm nhiều nhất, sau đó giảm dần ở lớp 2, rồi đến lớp 3, 4 và 5.

Còn tại Hà Nội, năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 813.000 học sinh tiểu học. Kết quả đánh giá cuối năm cho thấy, có 99,56% học sinh lớp 4 và 5 xếp loại “Hoàn thành” chương trình. Tỷ lệ này với học sinh lớp 1, 2 và 3 là 99,3%. Riêng với học sinh lớp 1, tỷ lệ xếp loại “Chưa hoàn thành” là khoảng 1,4%, bằng một nửa so với tỷ lệ chung của cả nước.

Ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) thông tin, số liệu này không có đột biến so với các năm trước.

Tăng cường hỗ trợ, tránh “ngồi nhầm lớp”

Trước ý kiến cho rằng chương trình, sách giáo khoa mới vẫn nặng về kiến thức và khó với học sinh lớp 1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài khẳng định, con số hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “Chưa hoàn thành” cuối năm học không xuất phát từ chương trình, sách giáo khoa. Lý do là khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các chuyên gia, nhà quản lý đều đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp. Đơn cử, môn tiếng Việt được điều chỉnh tăng từ 350 tiết/năm học lên thành 420 tiết/năm học nhưng nội dung kiến thức không tăng. Điều đó có nghĩa là vẫn chừng ấy nội dung kiến thức nhưng thời lượng học nhiều hơn, giúp các em được thực hành kỹ hơn.

Là đơn vị có số lượng học sinh nhiều nhất thành phố, quận Hà Đông hiện có 110 học sinh xếp loại “Chưa hoàn thành” (tương ứng 0,2%) được tiếp tục rèn luyện trong hè. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, hầu hết học sinh thuộc đối tượng cần rèn luyện thêm trong hè là học sinh khuyết tật, học sinh có khó khăn trong học tập… “Trong thời gian nghỉ hè và cao độ là từ đầu tháng 8, các nhà trường tập trung bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho các học sinh này và tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, đủ điều kiện sẽ được lên lớp, nếu không thì học lại”, bà Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Còn cô giáo Đặng Hoàng Hà (Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) cho biết, việc ôn tập, phụ đạo trong hè với một số học sinh được bố trí từ tháng 7, sau đó các em làm bài kiểm tra, nếu đáp ứng yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng theo quy định thì sẽ được lên lớp. Với những học sinh khuyết tật thể nặng, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp thường tham khảo, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh học sinh với tinh thần hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các em.

Liên quan đến nội dung này, ông Thái Văn Tài cho biết, trong số hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “Chưa hoàn thành”, mỗi em chưa đạt một số nội dung khác nhau. Do đó, trong dịp hè, giáo viên phụ đạo cho học sinh và nếu đủ điều kiện mới không bị lưu ban, tránh hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Như vậy, có thể sẽ có học sinh ở lại lớp, nhưng không phải là tất cả số học sinh xếp loại “Chưa hoàn thành” vào cuối năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục quản lý, đánh giá đúng quy định, nhất là ở khối lớp đầu tiên của cấp học. Bởi nếu dễ dãi sẽ khiến học sinh hổng kiến thức, rất khó khắc phục khi các em bước tiếp vào các lớp cao hơn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top