Tìm giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho học sinh khuyết tật

09:52 - Thứ Bảy, 05/08/2023 Lượt xem: 5493 In bài viết

Ngày 4-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo xây dựng giải pháp đánh giá, phân loại dạng tật để giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Các ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục nhằm hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em, học sinh khuyết tật.

Quang cảnh hội thảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ, giáo dục trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trẻ khuyết tật ở những vùng sâu, xa, vùng khó khăn và ở những gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chưa đầy đủ về số lượng, phân bố không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập còn hạn chế...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), tại Việt Nam có một số ít công cụ đánh giá trẻ em khuyết tật được xây dựng. Việc sử dụng các công cụ đã được Việt hóa hoặc điều chỉnh cũng đang ở mức độ khiêm tốn cả về số lượng trẻ và địa bàn, do vậy, các nhận định hoặc kết luận được đưa ra còn thiếu tính khách quan.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, ở Việt Nam tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 - 17 tuổi chiếm 2,83%; từ 2 - 15 tuổi là 3,02% so với tổng số trẻ em cùng độ tuổi. Trẻ có một dạng khuyết tật là 80%; số còn lại là đa tật. Tỷ lệ trẻ khuyết tật ở nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị....

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội), cô Trịnh Thị Lệ Thu cho hay, với học sinh khuyết tật, trường phân loại dạng tật dựa vào giấy xác nhận tình trạng bệnh tật do cơ sở y tế cấp, giấy xác nhận khuyết tật do UBND xã, phường cấp để xếp lớp cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên chưa có nhiều cơ hội để tập huấn các công cụ đánh giá. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ.

Từ thực tế, các ý kiến cho rằng cần cụ thể hóa được khái niệm về các dạng tật, làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành y tế và ngành giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, sự phối hợp giữa đội ngũ nhân viên y tế với giáo viên trong việc đánh giá trẻ khuyết tật rất quan trọng và cần chặt chẽ hơn nữa. Các ý kiến tại hội thảo là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan liên quan xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật một cách hiệu quả.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top