Địa phương quyết định việc thi hoặc xét thăng hạng giáo viên

10:36 - Thứ Hai, 07/08/2023 Lượt xem: 4468 In bài viết

Liên quan đến việc gần 2.500 giáo viên Hà Nội vừa gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT chính thức lên tiếng.

Không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ khi xét thăng hạng.

Trong thư gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, các giáo viên mong muốn TP. Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.

Theo các giáo viên, thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên. Nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi, gây ra nhiều bất công.

Bộ GD&ĐT thống nhất bỏ hình thức thi thăng hạng

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã gửi thông tin tới báo chí, cho biết, việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Theo Bộ GD&ĐT, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét. Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. 

Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Địa phương quyết định việc thi hoặc xét thăng hạng

Ngày 14/4/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Trong quá trình thực hiện, thời gian qua có nhiều giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng, Bộ GD&ĐT thông tin: Các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP). 

Không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Trong quá trình thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, nhiều giáo viên cũng phản ánh việc một số địa phương khi bổ nhiệm, chuyển xếp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sang chức danh nghề nghiệp tương ứng vẫn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, khiến việc bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp còn khó khăn, chưa đồng bộ.

Bộ GD&ĐT phản hồi, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã nêu rõ: “Không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin, theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự). Trong đó, Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top