“Khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn; linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh” là một trong những nội dung hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới với giáo dục THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành. Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường cho rằng điều này rất khó thực hiện, thậm chí không khả thi.
Nhận định chủ trương của Bộ GD-ĐT là đúng, nếu triển khai được sẽ rất tốt cho học sinh và đây cũng là mong muốn của các nhà trường, nhưng thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho rằng, rất khó để thực hiện vì thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ. Đây cũng là nhận định của ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang. Theo ông Khanh, việc bố trí lớp theo môn học sẽ làm phát sinh số lớp. Để thực hiện được việc tổ chức lớp học như Bộ GD-ĐT khuyến khích, các trường cần có tỷ lệ từ 0,8 phòng/lớp trở lên.
Trong khi đó, áp lực trường lớp ở bậc THPT đang là vấn đề lớn của các địa phương, nhất là ở các thành phố. Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho hay: “Trường tôi vốn chỉ có 36 lớp, nhưng nay phải tăng lên 45 lớp để đáp ứng nhu cầu người học. Trường cũng đang thiếu 20 giáo viên. Tổ chức lớp theo môn, học sinh sẽ được linh hoạt hơn trong lựa chọn môn học thay vì phải chọn theo tổ hợp như hiện nay, nhưng đòi hỏi số phòng học nhiều hơn”.
Việc học sinh chỉ muốn chọn một số môn và một số môn rất ít em chọn là thực tế ở các nhà trường từ năm học 2022-2023, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và các em được chọn môn học. Tại trường có thiên hướng khối D như Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội. Trong khi đó, tại trường có thiên hướng khối A, B như Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa), học sinh lại có khuynh hướng chọn các môn khoa học tự nhiên.
Thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 cho biết, khi xây dựng tổ hợp, trường phải tính toán để đưa các môn học sinh có xu hướng ít chọn ghép cùng các môn khác; tư vấn, định hướng cho các em để cân đối số lượng học sinh giữa các tổ hợp. Thầy Dỵ thẳng thắn cho hay: "Điều này có thể khiến học sinh không mấy hài lòng vì sẽ phải học các môn mà các em không thực sự muốn học, nhưng nhà trường cũng phải bảo đảm nhân sự, không thể để có thầy cô giáo phải dạy quá giờ, có thầy cô lại phải ngồi không. Nhà trường không có kinh phí để trả thêm cho thầy cô, càng không có quyền để cho thầy cô nghỉ việc chỉ vì học sinh không chọn học môn đó”.
Từ góc nhìn thực tiễn, hiệu trưởng các trường cho rằng, khuyến khích của Bộ GD-ĐT là hợp lý, tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này, các trường THPT cần có sự quan tâm, đầu tư của những cơ quan chức năng. Hiện tại, có lẽ chỉ trường ngoài công lập, nơi sĩ số ít, nhà trường chủ động được cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, linh hoạt trong trả lương mới có thể triển khai; còn với trường công lập, điều này là rất khó.