Ngành nghệ thuật truyền thống: Nguy cơ mai một, thiếu vắng tài năng trẻ

10:40 - Thứ Ba, 19/09/2023 Lượt xem: 5895 In bài viết

Mùa tuyển sinh năm nay, một số ngành nghệ thuật truyền thống, mang tính đặc thù như tuồng, cải lương... lại rơi vào tình trạng “trắng người học”. Nỗi lo mai một các ngành nghệ thuật truyền thống ngày càng rõ nét.

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tại "Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023".

Nhiều ngành “trắng” thí sinh

Mùa tuyển sinh đại học năm nay, trong khi báo chí rầm rộ đưa tin về một số ngành học “hot” đến mức thủ khoa thi tốt nghiệp còn trượt, thì lại có những ngành nghệ thuật “lặng như tờ” với số thí sinh đăng ký èo uột, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng ngành đào tạo vì nhiều năm liền “trắng” thí sinh dự tuyển.

Như tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, trong khi các ngành “hot” như điện ảnh, truyền hình vẫn giữ được "phong độ" thì các chuyên ngành kịch hát dân tộc lại rơi vào tình trạng báo động. Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng nhà trường, năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là 1.200 thí sinh, số dự thi trên thực tế nhiều hơn so với năm ngoái. Với khối điện ảnh - truyền hình, tỷ lệ dự thi vào các ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình, quay phim điện ảnh - truyền hình, biên kịch... vẫn giữ được như trước. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất vẫn là ngành diễn viên, kịch điện ảnh - truyền hình. Tỷ lệ thí sinh đăng ký học ngành này chiếm gần 50% tổng số hồ sơ.

Tuy nhiên, với các chuyên ngành kịch hát dân tộc, số lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành đào tạo diễn viên cải lương, diễn viên chèo, diễn viên múa rối, nhạc công kịch hát dân tộc rất ít. “Năm học này nhà trường không thông báo tuyển sinh diễn viên tuồng bởi trong khoảng 10 năm nay thí sinh không đăng ký dự thi chuyên ngành này. Như vậy, đối với kịch hát dân tộc, chúng tôi vẫn gặp khó khăn nhất. Năm nay, số lượng đăng ký dự thi diễn viên chèo nhiều hơn và gần đủ để có thể mở được 1 lớp. Hiện nay lớp diễn viên chèo là 14 em (chỉ tiêu là 15).

Với chuyên ngành kịch hát dân tộc, số lượng tuyển vào năm nay là 10 người, ít hơn năm ngoái. Chuyên ngành diễn viên cải lương "trắng tay" và đây là năm thứ 2 không có thí sinh đăng ký dự thi. Năm nay, chuyên ngành diễn viên rối cũng không có thí sinh đăng ký dự thi. Năm ngoái, chúng tôi có tuyển được một lớp nhưng rất ít - chỉ 6 người. Đối với những chuyên ngành năng khiếu, mỗi lớp trung bình khoảng 15 - 20 em/lớp là hợp lý. Việc tuyển sinh diễn viên chuyên ngành kịch hát dân tộc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn” - PGS.TS Nguyễn Đình Thi chia sẻ.

Tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các chuyên ngành đặc thù như kèn, gõ, nhạc giao hưởng, âm nhạc dân tộc cũng thưa vắng người học. Chính vì vậy, phương án tuyển sinh của trường, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện là phải “gạn đục khơi trong”. Cố gắng gạn lọc để lấy được thí sinh sau đó sẽ chọn lọc trong quá trình học, đào thải dần. Làm sao trong 100 em theo học, sau đó có 20 - 30 em ra làm được nghề đã là quý rồi.

Xiếc là ngành nghệ thuật đòi hỏi quá trình tập luyện, lao động vất vả nhưng tuổi nghề rất ngắn.

Chính sách đào tạo hấp dẫn

Ngày 30-7-2023, Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức có hiệu lực, mở ra hy vọng về việc thu hút được nhân tài trong các ngành nghệ thuật đặc thù bởi chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Theo đó, có 26 ngành nghề nghệ thuật được xếp vào danh mục độc hại, nguy hiểm. Đây đều là những ngành học đặc thù với yêu cầu khắt khe từ tuyển chọn, đào tạo đến công việc biểu diễn sau khi ra trường. Việc được đưa vào nhóm ngành nghề độc hại, nguy hiểm sẽ tác động tới quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hằng năm, ốm đau, chế độ nghỉ hưu. Nhiều người kỳ vọng rằng, chính sách mới sẽ mang lại tín hiệu khả quan hơn trong mùa tuyển sinh của các ngành nghệ thuật biểu diễn năm nay, nhưng thực tế không được như mong muốn.

Thực tế, từ nhiều năm qua, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật truyền thống đã nhận được sự hỗ trợ tốt về vật chất trong quá trình học. Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật. Theo đó, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được giảm 70% học phí. Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng. Bên cạnh đó, sinh viên các ngành này còn được hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn, kinh phí làm đề tài tốt nghiệp...

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có quy định về hỗ trợ chi phí đào tạo tài năng, bao gồm: Học phí, học bổng, chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên tài năng trong quá trình học tập; tổ chức tuyển sinh, đào tạo, thực tập ngắn hạn; thực hiện chính sách đãi ngộ giảng viên, giáo viên, chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia đào tạo tài năng; khen thưởng học sinh, sinh viên tài năng đoạt giải thưởng, có thành tích cao.

Như vậy, so với mặt bằng chung hiện nay, những chính sách ưu đãi trong các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù là vô cùng hấp dẫn. Vậy, tại sao số lượng thí sinh đăng ký học các ngành này vẫn èo uột?

Canh cánh nỗi lo cơm áo

Công việc vất vả mà thu nhập không đủ sống - đây chính là nỗi lo lớn nhất khiến các ngành này khó tuyển sinh. Vì vậy, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, ưu đãi trong đào tạo là quan trọng, nhưng phải có cái nhìn tổng thể hơn vì phần lớn thí sinh nhìn vào tương lai của nghề khi ra trường để lựa chọn.

Nhìn vào ngành vắng thí sinh nhất hiện nay là tuồng sẽ thấy rõ điều đó. Một buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, mức bồi dưỡng tùy phân vai chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng. Các suất diễn như thế này cũng chỉ được tổ chức ít ỏi vào dịp cuối tuần. Thu nhập chủ yếu theo hệ số lương cơ bản của diễn viên mới ra trường chỉ ở mức vài ba triệu đồng. Bên cạnh đó, hầu hết diễn viên trẻ thuộc các ngành nghệ thuật truyền thống đều đến từ nơi khác nên thu nhập không đủ để trang trải chi phí ăn, ở, chưa nói đến các nhu cầu khác. Nhiều diễn viên phải làm thêm các nghề khác ngoài nghệ thuật, kể cả lao động chân tay để kiếm sống.

NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa từng chia sẻ: Lao động đơn thuần ở khu công nghiệp của tỉnh cũng có thể nhận mức lương tháng 6 triệu đồng, so sánh với thu nhập của một diễn viên chỉ hơn 3 triệu đồng, dễ hiểu vì sao nghệ thuật truyền thống không có sức hút với người trẻ.

Trường không tuyển sinh được, đồng nghĩa với việc sân khấu thiếu lớp nghệ sĩ trẻ kế cận. Trong cuộc thi Tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2023 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, khi nhìn vào dàn thí sinh đi thi, không ít người cảm thấy giật mình bởi các cuộc thi tài năng đã rơi vào tình trạng “già hóa”. Được biết, thay vì tổ chức cuộc thi tài năng trẻ cho từng loại hình sân khấu truyền thống như trước, năm nay cuộc thi tài năng sân khấu chèo, tuồng, dân ca kịch đã bỏ đi từ "trẻ" và không khống chế độ tuổi dự thi. Khi thiếu vắng tài năng trẻ, tương lai của các ngành nghệ thuật truyền thống sẽ đi về đâu? Câu hỏi đó cũng chính là bài toán mà những người làm quản lý nghệ thuật có trách nhiệm phải trả lời, càng sớm càng tốt!

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top