Lồng ghép nguồn lực đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục

15:11 - Thứ Tư, 18/10/2023 Lượt xem: 6871 In bài viết

ĐBP - Là huyện nghèo, địa bàn rộng, Tuần Giáo gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục, đặc biệt là việc đảm bảo cơ sở vật chất. Ðể kiên cố hóa trường, lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc học tập, Tuần Giáo đã linh hoạt lồng ghép, cân đối các nguồn vốn, đồng thời tích cực xã hội hóa, huy động các nguồn lực hỗ trợ cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu địa bàn.

Ðiểm trường Phiêng Cải, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Din do Hội Doanh nghiệp BNI Pride Chapte hỗ trợ kinh phí xây dựng.

Năm học 2023 - 2024, Tuần Giáo có 62 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, với hơn 24.500 học sinh. Toàn huyện có 1.057 phòng học, tỉ lệ phòng kiên cố đạt trên 86%; 251 phòng bán trú, tỉ lệ phòng kiên cố đạt trên 84%; đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của học sinh. So với mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ phòng học, phòng nội trú kiên cố đều chưa đạt. Từ thực tế đó, để đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn, Tuần Giáo đã thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là lồng ghép các nguồn lực.

Ông Ðỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ÐT, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Trên cơ sở ấy, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình như: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó rà soát, tham mưu sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hàng năm để phân bổ vốn cải tạo, tu sửa cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn”. Trong năm học 2022 - 2023, toàn huyện đã tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho 12 trường và điểm trường (5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 4 trường THCS) với số tiền 20,924 tỷ đồng.

Cùng với đó sử dụng đúng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây mới các công trình nhà lớp học, phòng nội trú và các công trình phụ trợ khác cho các cơ sở giáo dục. Cụ thể, từ nguồn tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã khởi công và đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện các trường: Phổ thông DTBT THCS Ta Ma, DTBT THCS Phình Sáng, DTBT Tiểu học Nà Tòng, DTBT Tiểu học Nậm Din, DTBT Tiểu học Mường Mùn, DTBT Tiểu học Bình Minh với vốn đầu tư 79,446 tỷ đồng. Tiểu dự án 1 - Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cũng hỗ trợ xây dựng Trường phổ thông DTBT Tiểu học Khong Hin với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng...

Ngành GD&ÐT huyện tích cực huy động tối đa các nguồn lực, tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình lớp học, nhà nội trú cho học sinh, bổ sung thiết bị dạy học cho các đơn vị, phục vụ tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2022 - 2023, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hỗ trợ xây mới 8 phòng học, 6 phòng nội trú cho học sinh, 4 phòng công vụ và 2 công trình vệ sinh cho các đơn vị trường học với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng.

Ðầu năm học 2023 - 2024, huyện có thêm 2 điểm trường mới được khánh thành từ nguồn xã hội hóa, tạo thuận lợi hơn cho cô và trò các bản vùng cao khó khăn. Ðó là điểm trường Phiêng Cải, Trường phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Din do Hội Doanh nghiệp BNI Pride Chapte hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 phòng học, 1 nhà vệ sinh và 1 phòng công vụ với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Còn tại điểm trường Mầm non + Tiểu học và THCS bản Háng Tàu, xã Tỏa Tình được Quỹ Y tế - Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tài trợ xây dựng mới 2 phòng học, 1 nhà công vụ giáo viên, 1 nhà bếp, 1 nhà vệ sinh và hệ thống mái che, sân bê tông với tổng kinh phí 871 triệu đồng.

Trong thời gian tới, huyện Tuần Giáo tiếp tục thực hiện các cách làm trên; rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm thiết bị, tổng hợp và xác định số lượng phòng học cần kiên cố hóa, danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn. Từ đó kiến nghị, tham mưu, thực hiện bố trí các chương trình dự án và nguồn vốn của địa phương hay xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất đáp ứng công tác giáo dục tại địa bàn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top