Nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích cho học sinh

14:53 - Thứ Tư, 08/11/2023 Lượt xem: 4701 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm và tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, năm học 2023 - 2024, các cơ quan, địa phương trong tỉnh có nhiều hoạt động tuyên truyền hướng trực tiếp tới học sinh. Tại TP. Ðiện Biên Phủ, Trung tâm Y tế thành phố tổ chức truyền thông, phòng chống dịch bệnh bạch hầu và thực hành sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích trong 12 trường học trên địa bàn. Ở mỗi cấp học, trường học, còn lồng ghép các thông tin về chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ hướng dẫn học sinh Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ sơ cứu trường hợp đuối nước.

Từ ngày 21/9 - 4/11, Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức truyền thông tại 12 trường học/12 xã, phường trên địa bàn, bao gồm các trường: Phổ thông Hermann Gmeiner, THCS Nà Tấu, Tiểu học Nam Thanh, Tiểu học số 1 Pá Khoang, THCS Trần Can, THCS Him Lam, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh... Hoạt động nhằm nâng cao kiến thức của giáo viên và học sinh về bệnh bạch hầu cùng cách phòng tránh; giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em.

Tại Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ, sau giờ chào cờ (thứ hai ngày 9/10), học sinh được tìm hiều về phòng chống dịch bệnh bạch hầu, đuối nước trẻ em và tư vấn về sức khỏe trước khi kết hôn. Tại đây nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan đến chủ đề truyền thông được các y, bác sĩ Trung tâm Y tế thành phố thông tin, hướng dẫn học sinh một cách dễ hiểu, dễ nhớ bằng các hình ảnh, tình huống và thực hành. Em Cà Hoàng Linh, lớp 11B4 chia sẻ: “Em thấy buổi tuyên truyền rất bổ ích. Em được trang bị thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa những rủi ro. Em mong có nhiều buổi tuyên truyền như vậy nữa để chúng em học hỏi, tích lũy kiến thức, kỹ năng hữu ích có thể áp dụng vào cuộc sống”.

Tại Trường THCS xã Nà Nhạn, giáo viên và học sinh đều rất sôi nổi, tích cực tham gia buổi tuyên truyền. Em Lò Thị Thanh Hà, lớp 9A3 cho biết: “Qua buổi tuyên truyền này em đã học được những kiến thức bổ ích về bệnh bạch hầu và phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Ở nơi em sinh sống có ao, suối, đường giao thông nhiều phương tiện qua lại... nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích luôn hiện hữu. Nhờ có các y, bác sĩ đến hướng dẫn, em có thể thực hành cơ bản việc sơ, cấp cứu; không chỉ cần thiết cho bản thân mà em còn hướng dẫn các em ở nhà phòng tránh tai nạn, bảo vệ an toàn cá nhân”.

Ðối với dịch bệnh bạch hầu, dù địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ chưa ghi nhận ca bệnh nhưng trong tỉnh có 2 huyện xuất hiện dịch và đã có trường hợp tử vong. Bởi vậy việc phòng chống dịch bệnh bạch hầu được đặc biệt quan tâm. Y sĩ Trịnh Ngọc Hà, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế thành phố) cho biết: “Chúng tôi giới thiệu chung về bệnh bạch hầu, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh. Các em được tiếp thu cụ thể về các biểu hiện nhận biết, đường lây truyền của bệnh và biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu. Qua đó, mong muốn thầy cô và các em học sinh nắm bắt được cách phòng bệnh, các triệu chứng bệnh, để tự nhận biết và phòng tránh không chỉ trong nhà trường mà cả ngoài xã hội”.

Xuất phát từ thực tế, hàng năm Trung tâm Y tế thành phố tiếp nhận nhiều trẻ bị đuối nước ngưng tim, ngưng thở ngoại viện, một số trẻ bị dị vật đường thở, gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não… mà không được sơ cứu xử trí ban đầu tốt, để lại di chứng nặng sau điều trị, thậm chí là tử vong. Do vậy, đợt tuyên truyền này, bác sĩ Nguyễn Ðức Hạnh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức - Gây mê phẫu thuật được giao nhiệm vụ chính hướng dẫn học sinh, giáo viên các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu các tai nạn thương tích. Tại mỗi trường, bác sĩ Hạnh đều phổ biến về các tai nạn thương tích thường gặp và cách phòng chống; hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu tai nạn đuối nước, ngừng tuần hoàn, tai nạn thương tích thường gặp.

Bác sĩ Nguyễn Ðức Hạnh cho biết: “Trong các buổi tuyên truyền, tùy vào độ tuổi của học sinh, ví dụ như cấp tiểu học, chúng tôi hướng đến làm sao để các em đảm bảo được an toàn khi gặp các tình huống. Ðối với học sinh cấp THCS, THPT, hướng dẫn đi vào các tình huống sơ cấp cứu đơn giản. Cụ thể, như là tiếp cận các bệnh nhân bị đuối nước, tai nạn thông thường, cầm máu vết thương... Từ đó giúp các em có kỹ năng cơ bản để xử lý các trường hợp, góp phần để công tác cấp cứu ngoại viện được thực hiện tốt hơn, nạn nhân được tiếp cận tốt nhất, hiệu quả điều trị cao nhất”.

Những buổi tuyên truyền như trên thật sự cần thiết, hữu ích. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh về công tác phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích trong trường học, cộng đồng. Không chỉ giúp tăng cường các biện pháp tích cực cải thiện môi trường học tập để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, mà quan trọng hơn cả là các em có ý thức tự bảo vệ mình, phòng tránh rủi ro, đảm bảo cho các em được phát triển tốt về thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top