Hành trình xóa mù chữ, “thắp sáng” vùng cao Điện Biên (2)

Bài 2: Tạo mọi thuận lợi để người dân đến với con chữ

09:11 - Thứ Bảy, 23/12/2023 Lượt xem: 7263 In bài viết

ĐBP - Trong hành trình xóa mù chữ (XMC), mỗi thời điểm, giai đoạn có phương pháp, cách thức tổ chức phù hợp khác nhau. Những năm gần đây được cho là thuận lợi để các lớp XMC mở ra đạt hiệu quả cao nhất. Vượt lên những khó khăn đặc thù của vùng cao, các lớp XMC đã linh hoạt, tạo điều kiện tốt cho người dân tiếp cận, ghi nhớ và gắn bó với con chữ.

 Bài 1: Ngược núi “cõng” chữ lên vùng biên

Giữa trưa hay tối muộn, có học viên là mở lớp

Dù là bản gần hay cách xa trung tâm, dưới ánh điện hay đèn pin, dù trưa hay tối, ở điểm trường, nhà văn hóa bản hay gầm sàn nhà dân... khi có chủ trương mở lớp, có học viên tham gia và thống nhất được phương án tổ chức, là giáo viên có mặt và tâm huyết với từng giờ giảng...

Màn đêm buông xuống, trung tâm các bản vùng cao của xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ chỉ còn le lói ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà cách nhau vài chục, vài trăm mét. Trong bóng tối ấy vẫn vang tiếng đọc bài, cười nói xôn xao, vui vẻ từ điểm trường tiểu học. Ấy là những âm thanh lớp XMC giai đoạn 2 được mở hàng tối tại 5 bản: Đệ Tinh 1, Mạy Hốc, Địa Pua, Phìn Hồ A, Chăn Nuôi, với tổng 125 học viên đến từ 8 bản trên địa bàn. Lớp do giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ trực tiếp giảng dạy.

Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Lớp XMC được mở tất cả các tối trong tuần, nghỉ thứ 7, chủ nhật như học sinh phổ thông. Với điểm xa, đường sá không thuận lợi, học viên hầu hết là phụ nữ lớn tuổi, không có phương tiện đi lại, thì Trường tách nhóm dạy riêng dù chỉ có 5 – 7 học viên”.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi nhất cho học viên đến lớp, giờ học rất linh hoạt. Thường thì bắt đầu khoảng 19 giờ 30 phút - 20 giờ, nhưng vào vụ mùa sẽ muộn hơn để chờ bà con đi nương về, vào chính vụ bận rộn nhất có thể cho lớp nghỉ, học bù sau. Đây cũng là lúc giáo viên vất vả hơn do nhiều học viên mải mê công việc, có khi ở trên nương không về. Giáo viên phải đến từng nhà động viên, gọi, chở học viên đến lớp.

Còn tại địa bàn huyện Điện Biên, hầu hết các lớp được mở vào buổi trưa. Kết thúc giờ dạy chính khóa buổi sáng điểm trường Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, cô giáo Lường Thị Hiên sắp xếp lại đồ dùng giảng dạy để đón học viên lớp XMC. Người dân từ nương, ruộng về, cũng nhanh chóng gột rửa bùn đất liền cắp sách bút tới điểm trường. Ai đến trước, cô Hiên chuyện trò, hướng dẫn tập viết, luyện đọc luôn chứ không chờ đông đủ mới bắt đầu. Lớp học kéo dài đến khoảng hơn 13 giờ, đôi khi dạ dày réo đói nhưng “cái bụng” lại đầy con chữ.

Phương pháp giảng dạy các lớp XMC cũng rất linh hoạt, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân. Cô Hiên cho biết: “Việc dạy lớp XMC không giống với học sinh ở trường. Hầu hết học viên lớn tuổi, quanh năm chỉ quen với đồng áng và nói tiếng dân tộc nên tiếp thu khá chậm. Vì vậy, giáo viên phải tỉ mỉ, kiên trì, hướng dẫn học viên cách ghép chữ, đánh vần, bắt tay nắn nót viết từng chữ ban đầu. Đồng thời các bài đọc đều gắn với cuộc sống thường ngày, như phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe hay làm kinh tế... mới dễ nhớ và tiếp cận nhanh hơn”.

Cùng cách làm ấy, cô Lò Thị Thiên, chủ nhiệm lớp XMC tại bản Đề Tinh 1, xã Phìn Hồ chia sẻ: “Khi dạy học viên lớn tuổi, phương pháp giảng dạy phải phù hợp với nhu cầu của học viên. Họ không chỉ mong viết được tên mình, đọc viết cơ bản mà còn muốn biết thêm những kiến thức phục vụ cuộc sống. Vì thế tôi sưu tầm, sử dụng nhiều hình ảnh thực tiễn, giải thích ngữ nghĩa của câu từ gắn liền với các vấn đề thiết thực, như quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Để họ vừa học chữ, vừa có thể vận dụng vào phát triển kinh tế”.

Ước mong con chữ

Học viên các lớp XMC trên địa bàn tỉnh ta có độ tuổi rất đa dạng, từ hơn 20 tuổi đến trên 60 tuổi. Nhiều gia đình có cả 2 vợ chồng hoặc bố con, mẹ con, thậm chí bà cháu cùng đi học. Không chỉ những học viên nằm trong danh sách mở lớp mà còn có nhiều người đến ngồi học chung, để biết chữ, nhớ chữ, chống tái mù chữ, trong đó có nhiều cụ già.

Sau hơn 2 tháng ngồi cùng các con, cháu học lớp XMC, bà Thào Thị Mỷ (hơn 90 tuổi), bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ đã nghe hiểu được một phần tiếng phổ thông và đọc được một số từ. Bà Mỷ vui vẻ bảo: “Ngày xưa lúc mình còn trẻ thì không có giáo viên. Sau này bận làm nương không học được. Bây giờ có tuổi rồi nhưng vẫn muốn đi học lắm. Thế nên tối nào tôi cũng đến lớp ngồi học nhờ, còn sức khỏe còn học, biết chữ nào tốt chữ ấy”.

Tại điểm bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cũng thường xuyên có hơn 20 người học, chứ không chỉ 17 học viên như trong quyết định mở lớp. Hầu hết học viên đều chuyên cần, đi học đều đặn. Chị Quàng Thị Sương (hơn 30 tuổi) lúc nhỏ không có điều kiện đến trường. Nhà có 6 chị em, Sương lại là con cả nên nhường các em đi học, mình ở nhà phụ giúp bố mẹ. Chị Sương tâm sự: “Không biết chữ đi đâu cũng khổ, nhất là đi bệnh viện hay làm giấy tờ thì toàn điểm chỉ ngón tay. Thực ra cách đây 16 năm, tôi cũng đã đi học XMC giai đoạn 1 nhưng sau đó ít dùng nên không thành thạo, câu nào dễ, ngắn thì có thể đánh vần được, chứ không viết được. Lần này biết mở lớp tại bản là tôi đăng ký ngay, mong sao ký được tên mình, đọc, viết đủ dùng cho cuộc sống”.

Biết cầm bút, viết tên mình cũng là động lực, mong muốn đầu tiên của mỗi học viên các lớp XMC. Sau thời gian tham gia học, họ càng hăng say với câu chữ. Những đôi bàn tay chai sạn chỉ quen cầm cuốc, liềm, vụng về cầm bút nay đã chép được bài giảng, làm phép tính cơ bản.

Bà Mạc Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của chính người dân, nên họ tham gia học nhiệt tình, đầy đủ. Mường Pồn vẫn còn 14% người 30 – 60 tuổi chưa thông thạo tiếng Việt. Năm nay mới mở được 2 lớp ở Huổi Chan 1 và Tin Tốc. Kết quả học tập đến hiện tại của 2 lớp là minh chứng và động lực để người dân trong xã không phân biệt độ tuổi mà theo đuổi con chữ. Nhờ đó, người dân bản Huổi Chan 2 cũng đang có mong muốn được mở lớp như vậy”.

Từ năm 2012 - 2020, mỗi năm tỉnh ta tổ chức XMC cho 1.500 - 2.000 học viên. Năm 2023 này, tận dụng các nguồn lực và linh hoạt các giải pháp, toàn tỉnh đã tổ chức 56 lớp XMC giai đoạn 2 cho hơn 1.300 người dân, tại 8 huyện. Để đưa con chữ đến các bản làng, ngành Giáo dục là chủ chốt, nhưng cùng với đó còn có sự phối hợp, tham gia của nhiều lực lượng khác. Tất cả chung sức “thắp sáng” vùng cao bằng tri thức.

Bài 3: Những lớp học đặc biệt

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top