Tranh luận "nóng" về đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo

09:52 - Thứ Ba, 23/01/2024 Lượt xem: 4864 In bài viết

Vừa qua, tại hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/1, có một nội dung đáng chú ý là Bộ GD & ĐT đề xuất cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều.

TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Dự kiến, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học.

Những người được cấp giấy chứng nhận là người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo từ mức đạt trở lên của một cấp học hoặc trình độ đào tạo. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ, như khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải…

Giấy chứng nhận nghề nghiệp là điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa.

Trên một số diễn đàn của giáo viên, rất nhiều ý kiến không đồng tình việc sẽ cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo với những lí do khác nhau. Nhiều thầy cô cho rằng, giáo viên đã được đào tạo từ 3-4 năm ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm tùy theo bậc học nên việc quy định nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết. Cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên bậc THCS ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng, với các bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm đã có, không cần thiết phải có thêm chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo vì điều này sẽ "vẽ" thêm việc, tạo thêm áp lực không cần thiết cho nhà giáo, nguy cơ "đẻ" ra cơ chế xin-cho.

Theo cô Hải, cả nước hiện nay có gần 1,6 triệu nhà giáo, nếu cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ lực lượng này thì sẽ gây tốn kém của xã hội cả về thời gian, tiền bạc và công sức. Trong khi nhiều ý kiến khác lại cho rằng, tác dụng của giấy chứng nhận còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại khẳng định, việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành, nghề được đánh giá là đặc thù hiện nay cũng yêu cầu phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, chứng nhận hành nghề như bác sĩ, luật sư.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, ở nhiều quốc gia hiện nay đều cần phải có giấy phép hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên, đặc biệt là ở các trường công. Việc cấp phép này đảm bảo rằng giáo viên đáp ứng các tiêu chí giáo dục và đào tạo cụ thể, chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học. Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy, năng lực chuyên môn theo vị trí chức danh nghề dạy học, việc nâng cao năng lực qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Giáo viên muốn có giấy chứng nhận này phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép.

Tuy vậy, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng thừa nhận, vấn đề đặt ra ở đây là hiện đang có một số ý kiến băn khoăn, thắc mắc vì sao hầu hết giáo viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm, nghĩa là những người đã được đào tạo chuyên sâu về giáo dục lại được yêu cầu phải có giấy phép, điều này có vẻ dư thừa. Theo ông Vinh, thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế...

Do đó, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên là cần thiết, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đảm bảo năng lực chuyên môn, đạo đức ứng xử nghề nghiệp, xây dựng niềm tin của xã hội đối với nhà giáo, buộc giáo viên phải thường xuyên nâng cao năng lực và đó cũng là cách bảo vệ lợi ích của người học...

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top