Thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng

14:26 - Thứ Năm, 14/03/2024 Lượt xem: 5053 In bài viết

Năm 2024, các trường đại học (ĐH) tiếp tục đa dạng phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, xét tuyển bằng điểm thi của các kỳ thi riêng. Điều này thực sự mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh, giúp các em có thể vào ĐH bằng nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần so với bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Do vậy, việc thí sinh đăng ký nhiều kỳ thi riêng là không cần thiết.

Dễ quá tải nếu “ôm đồm” quá nhiều kỳ thi

Năm 2024, ngoài các kỳ thi riêng có quy mô lớn, được nhiều trường ĐH làm căn cứ để xét tuyển như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND của Bộ Công an; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh còn xuất hiện thêm một số kỳ thi riêng của ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Việt Đức, Học viện Ngân hàng.

Trong số này, có thể kể đến kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH (V SAT) để lấy kết quả tuyển sinh do ĐH Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tổ chức với 7 môn thi là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân dưới hình thức trắc nghiệm, thi trên máy tính. Nhà trường dự kiến dành 20% chỉ tiêu mỗi ngành bằng kết quả của kỳ thi này trong năm đầu tiên tổ chức. Tương tự, kỳ thi V-SAT cũng sẽ được Học viện Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cùng các trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính Marketing… tổ chức.

Thí sinh cân nhắc lựa chọn tham gia kỳ thi riêng phù hợp nhất. (Ảnh minh họa)

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho biết: Để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường, áp lực theo đó cũng gia tăng. Lý do là việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường phổ thông hiện nay và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nội dung, cấu trúc đề thi theo hướng khá quen thuộc với học sinh trong khi đó đề thi tại các kỳ thi riêng thì mỗi trường một kiểu. Theo cô Hà, các kỳ thi riêng hiện nay đều có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Nếu như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh có phạm vi, lĩnh vực rộng thì kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND chủ yếu làm căn cứ để các trường CAND tuyển sinh… Vì vậy, thí sinh chỉ cần chọn một kỳ thi phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, không nên “tham” quá nhiều kỳ thi để không bị phân tán, quá tải và tốn kém cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức lực.

Thầy Nguyễn Duy Nam, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho rằng, tham gia các kỳ thi riêng sẽ tăng thêm cơ hội vào ĐH cho thí sinh song việc gia tăng số lượng các kỳ thi riêng cũng tạo nhiều áp lực, khó khăn cho thầy và trò. Theo thầy Nam, đối với những học sinh ở thành phố lớn, các em có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, trong ôn tập cũng như có đủ điều kiện kinh tế khi tham gia các kỳ thi riêng. Trong khi đó, đối với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập lẫn kinh tế đều có những hạn chế nhất định nên việc có quá nhiều kỳ thi riêng (hầu hết các kỳ thi đều tổ chức ở các thành phố lớn học sinh ở quê phải “khăn gói quả mướp” đi thi, lệ phí dự thi cao) xét ở một góc độ nào đó cũng tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận cơ hội của học sinh giữa các vùng miền.

Kiểm soát chất lượng các kỳ thi riêng

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong khi thí sinh vẫn phải dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp THPT nên dễ dẫn đến “gánh nặng” thi cử. Bên cạnh đó, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không dễ dàng bởi để kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về khảo thí. Điều này có thể là khó khăn với nhiều trường. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng các kỳ thi riêng. Ngoài ra, ông Khuyến cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều các kỳ thi riêng sẽ dễ gây lãng phí, tốn kém, trong khi tâm lý của thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng do muốn "ôm đồm" nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khuyến khích thí sinh chọn đăng ký tham dự các kỳ thi riêng phù hợp nhằm tăng cơ hội xét tuyển. Tuy nhiên, bà Thủy lưu ý với thí sinh, mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau. Thí sinh cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh của các trường và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe, khả năng, điều kiện của bản thân. Đặc biệt, khi thí sinh đã định hướng nghề nghiệp, lựa chọn các trường ứng tuyển phù hợp với nguyện vọng, năng lực của bản thân thì không cần tham dự nhiều kỳ thi mà chỉ lựa chọn 1 kỳ thi phù hợp nhất. Còn lại, các em nên tập trung kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi đó vẫn là cơ hội rất lớn để các em ứng tuyển vào các trường ĐH.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng, phương thức tuyển sinh ĐH được thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH. Tuy vậy, thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục ĐH, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi sẽ có độ phân hoá cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch, hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật. Do đó, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những phương thức tuyển sinh ĐH sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, cho chính các trường ĐH và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. “Nếu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục ĐH để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội của các em sẽ bị hạn chế, điều này liệu có thực sự đảm bảo công bằng?”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top