Đổi mới chính sách đãi ngộ nhà giáo “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

14:04 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 6270 In bài viết

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ này.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 02/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (NGND, NGƯT).

So với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định về xét tặng NGND, NGƯT, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Quan tâm nhóm đối tượng đặc thù

Theo đó, Nghị định quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Một điểm mới đặc biệt trong Nghị định số 35/2024/NĐ-CP là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn. 

Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 01 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.

Việc điều chỉnh về tiêu chuẩn, thời gian trực tiếp giảng dạy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó khăn; đồng thời tạo động lực để các nhà giáo tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao hơn trong giảng dạy, giáo dục, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực.

Để bảo đảm quyền lợi cho nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định về việc chuyển tiếp để trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2023 còn thiếu tiêu chuẩn về chủ trì biên soạn báo cáo chuyên đề tại các hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp sở, ban, ngành tổ chức; quy định về tác giả sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy hoặc quản lý, có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh thì được áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2015 (khi đề nghị xét tặng danh hiệu vinh dự này lần thứ 17 vào năm 2026).

Bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo. Cụ thể như: Biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng… để thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và tính lan tỏa, ảnh hưởng của nhà giáo tại địa phương nơi công tác.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi… bởi vì thực tế trong ngành Giáo dục còn có danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi, giảng viên nghiệp vụ sư phạm giỏi, giáo viên, giảng viên đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên... Các quy định về nội dung, tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền tổ chức hội thi của các hội thi này là tương đương nhau.

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hoặc hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải (hoặc khen thưởng) cấp trường trở lên… nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương, tư thục có cơ hội tham gia xét tặng.

Quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng (Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định là sáng kiến do cấp trên trực tiếp quản lý công nhận). Bổ sung sáng kiến do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong ngành tương đương sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành tỉnh (theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều đặc thù trong công tác công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến).

Ngoài ra, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng được xét tặng, cũng như các cấp hội đồng…

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top