Thêm nhiều kỳ thi riêng vào đại học:

Thí sinh hiểu rõ để tránh lợi bất cập hại

09:03 - Thứ Sáu, 22/11/2024 Lượt xem: 1421 In bài viết

Cùng với phương thức xét tuyển đại học truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2025, thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo dự kiến tổ chức kỳ thi riêng.

Điểm đáng chú ý là các kỳ thi riêng đều diễn ra trong khoảng thời gian học kỳ 2 năm học 2024-2025 của học sinh phổ thông. Việc tăng kỳ thi riêng giúp các em thêm cơ hội xét tuyển đại học, song chính các em cũng cần hiểu rõ những quy định liên quan để tránh ảnh hưởng đến chất lượng học tập và cơ hội trúng tuyển.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái

Thêm cơ hội vào đại học

Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo định hướng tuyển sinh năm 2025. Kết quả kỳ thi riêng của các trường này được nhiều trường trên cả nước sử dụng để làm căn cứ tuyển sinh. So với năm 2024, số kỳ thi riêng được tổ chức nhiều hơn, giúp thí sinh thêm cơ hội xét tuyển vào đại học.

Trên địa bàn Thủ đô, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là kỳ thi có quy mô lớn nhất, với khoảng 90 trường đại học trên cả nước sử dụng kết quả để xét tuyển. Năm 2025, đơn vị dự kiến tổ chức 6 đợt thi, đáp ứng khoảng 85.000 lượt thí sinh dự thi. Kỳ thi diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng...

Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với 3 đợt thi, đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi. Ngoài các điểm thi như năm trước, trường mở thêm điểm thi mới tại Lào Cai để hỗ trợ thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Khoảng 40 trường đại học sử dụng kết quả bài thi của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường. Thí sinh yêu thích ngành sư phạm có thể tham khảo thêm thông tin từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Năm 2025 là năm đầu tiên nhà trường tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng để xét tuyển đại học.

Thời điểm này, cả nước có hơn 10 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh vào trường, cũng như tạo điều kiện để các trường khác sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Học sinh lớp 12 lưu ý cập nhật thông tin đầy đủ, cụ thể và chính xác về các kỳ thi riêng trên cổng thông tin điện tử của các trường nếu có nguyện vọng tham dự.

Có nên tham gia nhiều kỳ thi riêng?

Thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin tại Ngày tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh đăng ký từ ngày 8-2-2025. Đây cũng là đơn vị mở cổng đăng ký sớm nhất. Bài học của nhiều thí sinh các năm trước về việc đăng ký không thành công do nghẽn mạng hoặc thiếu giấy tờ cho thấy, việc đầu tiên mà thí sinh cần lưu ý ngay từ thời điểm này là xem kỹ các yêu cầu của nhà trường, nhất là về các dữ liệu cá nhân để chuẩn bị. Các nhà trường thường có quy định chung như: Ảnh chụp ảnh 2 mặt căn cước công dân, kết quả học tập từng học kỳ, ảnh chân dung... Học sinh cũng cần chuẩn bị máy tính có kết nối đường truyền internet tốc độ tốt, sẵn sàng chờ đến giờ “G”.

Câu hỏi được nhiều thí sinh quan tâm là có nên tham gia nhiều đợt thi, kỳ thi riêng để được tăng cơ hội trúng tuyển đại học hay không? Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy giải đáp, thí sinh đăng ký tham gia các kỳ thi độc lập giúp tăng cơ hội xét tuyển đại học, tuy nhiên mỗi kỳ thi có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội có phạm vi, lĩnh vực rộng, còn kỳ thi của Đại học Bách khoa Hà Nội chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; kỳ thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên... Căn cứ năng lực, sở thích và nguyện vọng ngành học sau này, thí sinh lựa chọn kỳ thi phù hợp, hạn chế tham gia nhiều kỳ thi.

Là người trực tiếp đứng lớp, cô giáo Nguyễn Thu Hà (Trường Trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai) chia sẻ, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh cần học nhiều hơn. Trong khi đó, các kỳ thi riêng đều diễn ra vào học kỳ II, chặng nước rút của kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dù có trúng tuyển kỳ thi riêng, học sinh vẫn cần phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu không các em sẽ mất hoàn toàn cơ hội vào đại học, vì thế, đây là nhiệm vụ không thể chủ quan, lơ là.

Các chuyên gia, nhà giáo từng khuyến cáo, thí sinh cần hiểu rõ ý nghĩa của từng kỳ thi để lựa chọn, quyết định đăng ký tham gia nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất, tránh lợi bất cập hại. Thực tế năm trước cho thấy, có một số thí sinh thi 2 lượt/năm, nhưng kết quả ở lượt thứ hai lại không cao bằng lượt đầu tiên.

Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, trong khi phần lớn các trường đều sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì với kỳ thi riêng, không phải trường nào cũng sử dụng. Các trường tổ chức kỳ thi riêng thường dành tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này nhiều hơn, còn các trường không tổ chức thì chỉ tiêu ở phương thức này ít hơn. Vì thế, thí sinh có dự định sử dụng kết quả kỳ thi riêng để xét tuyển đại học cần tìm hiểu kỹ xem trường đó sử dụng phương thức nào và số lượng chỉ tiêu ra sao để có quyết định phù hợp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top