Cần cơ chế quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả

09:19 - Thứ Tư, 27/11/2024 Lượt xem: 1909 In bài viết

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo trong khuôn khổ đợt 2 Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, bên cạnh những nội dung quan trọng khác, nhiều đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm về vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo các đại biểu, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, vì thế không thể cấm mà cần có cơ chế để quản lý phù hợp, hiệu quả.

Nhiều năm qua, dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm với nhiều thái cực. Người thì đồng tình ủng hộ, cho rằng dạy thêm, học thêm là cần thiết, người thì phản đối, cho rằng đây là một “vấn nạn” cần phải dẹp bỏ. Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm cũng đã nghiêm cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); nghiêm cấm dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày...

Thế nhưng, bất chấp quy định của thông tư, trên thực tế, ở không ít địa phương trong cả nước, tình trạng dạy thêm môn văn hóa cho học sinh tiểu học, dạy thêm cho học sinh cấp học cao hơn đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày vẫn diễn ra phổ biến. Trên cấm, dưới vẫn dạy, thế nên, có lúc, có nơi đã xảy ra cảnh bi hài: Cô giáo “lén lút” dạy thêm, chính quyền địa phương, phòng giáo dục, nhà trường tổ chức kiểm tra, “bắt” giáo viên dạy thêm như... bắt trộm, khiến dư luận vô cùng trăn trở, xót xa và đòi hỏi vấn đề phải được giải quyết thỏa đáng.

Vì sao tình trạng dạy thêm, học thêm như đề cập ở trên vẫn diễn ra tràn lan mặc dù đã có quy định cấm? Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể phủ nhận nguyên nhân: Đó là một nhu cầu có thực!

Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng và nhà giáo có quyền được dạy thêm. Cần có quy định phù hợp nhằm tạo tính chính danh cho hoạt động này, từ đó giúp nhà giáo có thể đàng hoàng dạy thêm để vừa giúp các em học sinh tiến bộ, vừa có thu nhập chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cho rằng, học thêm là nhu cầu thực tế của nhiều học sinh và phụ huynh. Thông qua học thêm, học sinh yếu sẽ được kèm thêm để tiến bộ, học sinh khá thì được bồi dưỡng để có kết quả học tập tốt hơn. Cũng theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, thực tế đã có lúc cấm, nhưng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, điều này càng cho thấy cần bổ sung nội dung này vào dự thảo luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm.

 Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: DƯƠNG CHUNG

Cùng chung quan điểm, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho rằng, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của xã hội. Hiện có hai luồng quan điểm về vấn đề này, một là cấm, hai là quản lý. Tuy nhiên, theo đại biểu, thay vì "quản không được thì cấm", cần có cơ chế quản lý đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.

Thừa nhận nhu cầu có thật về dạy thêm, học thêm, không cấm dạy thêm, học thêm mà cần tìm cơ chế quản lý phù hợp để phát huy tính tích cực, hạn chế mặt tiêu cực chính là thể hiện tư duy tiến bộ trong xây dựng pháp luật, góp phần kiến tạo một môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, dự thảo thông tư đã có nhiều nội dung “mở” hơn cho việc dạy thêm, học thêm khi bỏ một số điều khoản về các trường hợp không được dạy thêm, đồng thời có những quy định để hạn chế những mặt trái, đúng như quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc giáo viên ép buộc học sinh học thêm”.

Cũng cần phải nói thêm, mặc dù không cấm, nhưng nhìn chung, việc dạy thêm, học thêm ở ngoài trường học cũng không nên khuyến khích. Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn, định hướng con em mình rèn luyện thói quen, năng lực tự học, vì tự học mới là yếu tố chủ yếu để con tiến bộ, vươn lên, chỉ đi học thêm khi thực sự cần thiết. Thực hiện tốt điều này sẽ tránh được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tốn kém nhưng không hiệu quả.

Mặt khác, bản thân mỗi thầy, cô giáo cũng cần gương mẫu trong việc dạy thêm bằng cách luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với học sinh khi dạy chính khóa trên lớp, không ép buộc học sinh học thêm hoặc có những hành vi vi phạm đạo đức trong dạy thêm. Đây là yếu tố quyết định góp phần lành mạnh hóa việc dạy thêm, học thêm, bởi nếu thầy, cô giáo không tự giác, gương mẫu thì rất khó có cơ chế để giám sát, phát hiện các biểu hiện vi phạm.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top