Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

09:01 - Thứ Bảy, 07/05/2022 Lượt xem: 5081 In bài viết

ĐBP - Sau 3 năm thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhờ đó tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Cán bộ khuyến nông xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của giống lúa nếp tan.

Chương trình OCOP với trọng tâm là phát huy sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình là điểm đột phá để phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững; mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của địa phương; thúc đẩy phát triển các hình thức sản xuất và là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nội lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Tại Điện Biên, chương trình OCOP được triển khai đồng bộ các biện pháp từ khâu tuyên truyền đến thực hiện và được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp quan tâm, tích cực tham gia. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 44 sản phẩm OCOP; trong đó, 42 sản phẩm xếp hạng 3 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, như: Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, dứa Mường Chà…

Tại TP. Điện Biên Phủ, tính đến năm 2020 đã có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đến thời điểm hiện tại, thành phố có 25 sản phẩm tiềm năng, thuộc 5 nhóm (nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm thảo dược, nhóm lưu niệm và trang trí nội thất, nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch) gồm các sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo khô; chẳm chéo; gạo Séng Cù; miến dong Hồng Phước; gạo nếp tan Mường Phăng; thịt sấy; rượu sâu chít, mãng cầu; mật ong rừng; mây tre đan dân tộc Thái Điện Biên; du lịch cộng đồng và tham quan di tích lịch sử; du lịch làng nghề mây tre đan bản Nà Tấu, xã Nà Tấu…

Với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, sản phẩm gạo nếp tan được xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) lựa chọn triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019. Với diện tích 30ha, những cánh đồng lúa nếp tan không chỉ mang lại sự no đủ cho đồng bào dân tộc nơi đây mà còn từng bước khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Năm 2022, xã Mường Phăng phấn đấu xây dựng sản phẩm gạo nếp tan đạt sản phẩm OCOP địa phương.

Trao đổi về những khó khăn và định hướng trong phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Do chủ thể kinh tế chỉ liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nên tất cả các yếu tố cấu thành sự phát triển bền vững của sản phẩm như vùng nguyên liệu, năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm đều phụ thuộc hoàn toàn vào người dân. Bên cạnh hạn chế về liên kết thiếu bền vững, chủ thể kinh tế của sản phẩm OCOP trên địa bàn còn chưa thật sự quan tâm đến công tác tiếp thị, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Để phát triển sản phẩm gạo nếp tan chuyên sâu, bền vững, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; thực hiện chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hợp tác xã nông nghiệp sạch làm chủ thể kinh tế nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Xác định Đề án Mỗi xã một sản phẩm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa Đề án trở thành Chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; phát triển sản xuất sản phẩm/dịch vụ hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại của tỉnh; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm và các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta tập trung xây dựng thành công các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ gắn với phát triển du lịch của tỉnh, nhất là du lịch ẩm thực các dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... Giai đoạn 2026 - 2030, Chương trình tập trung vào phát triển sản phẩm mới, giám sát và tôn vinh các tổ chức OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành chương trình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Để Chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu và bền vững, trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương, đặc sản vùng, miền thì công tác tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả nhằm thay đổi nhận thức từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tổ chức, điều hành, cho đến người dân, nhất là các chủ thể sản xuất để mọi người hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, cũng như lợi ích khi tham gia chương trình, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có trình độ chuyên sâu để làm nòng cốt quản lý và xây dựng Chương trình OCOP tại địa phương; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng kịp thời sự phát triển của sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top