Cần thêm năng lực, tâm huyết của chủ thể OCOP

05:44 - Thứ Ba, 10/05/2022 Lượt xem: 4980 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2019 đến nay thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh Điện Biên có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bước đầu tham gia chương trình, sản phẩm OCOP của Điện Biên đã dần khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường. Thế nhưng, để những đặc sản của các địa phương có chỗ đứng ngày càng vững chắc thì vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Để phát huy giá trị sản phẩm, đòi hỏi các chủ thể OCOP (HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất) cần chủ động và nhiệt huyết hơn trong thực hiện Chương trình OCOP gắn phát triển sản phẩm bền vững.

Một điểm thu mua dứa tươi của HTX Dứa Na Sang.

Cách đây 5 năm, HTX Dứa Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà) được thành lập với mục đích trồng và thu mua dứa của bà con trên địa bàn cung cấp cho các công ty, thương nhân. Để quả dứa đảm bảo về chất lượng, HTX đã cung cấp phân bón và hướng dẫn người dân cách chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã đánh giá và xếp hạng dứa Na Sang đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Thế nhưng giờ đây, vì sản xuất tự phát manh mún nên người dân cũng không mấy coi trọng thương hiệu quả dứa OCOP và không chú trọng việc dán tem mác mang thương hiệu dứa Na Sang - sản phẩm OCOP.

Ông Đào Trọng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà chia sẻ: Vì sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên các chủ thể kinh tế của sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác tiếp thị, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như sản phẩm dứa Na Sang, dù đã được công nhận sản phẩm OCOP nhưng để tiết kiệm chi phí nên người dân không gắn mác sản phẩm OCOP lên nhiều sản phẩm. Nếu khách hàng cần làm quà biếu thì bà con mới gắn mác nhằm tiết kiệm chi phí đến mức tối đa.

Cùng với dứa Na Sang, huyện Mường Chà còn có 2 sản phẩm OCOP khác là: Bưởi da xanh Kiên Trung của HTX Kiên Trung (xã Pa Ham) và miến dong Hoàng Tấm. Việc các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn nhưng vẫn còn những hạn chế, nhất là về năng lực của các chủ thể.

Ông Hải cho biết thêm: Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn do các HTX còn hạn chế về năng lực cũng như tài chính. Đơn cử như để lựa chọn một Giám đốc HTX có trình độ năng lực, đủ điều kiện cũng là cả vấn đề. Cũng vì năng lực của các chủ thể còn hạn chế nên chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con để họ từng bước thích ứng, phù hợp. Mặt khác, việc lựa chọn các vị trí của HTX do người dân bầu ra nên chúng tôi cũng tôn trọng quyết định của bà con. Vì nhiều nguyên nhân nên dù sản phẩm OCOP của Mường Chà có chất lượng khá ngon và đảm bảo nhưng do thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nhiều chủ thể chưa chú trọng, khiến thương hiệu sản phẩm OCOP của Mường Chà chưa phát huy giá trị…

Nếu năng lực của chủ thể còn hạn chế, muốn phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm đòi hỏi phải có sự liên kết với người dân. Có như vậy mới tạo ra được vùng nguyên liệu, nguồn sản phẩm dồi dào và bền vững. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hiện nay trong số 28 chủ thể OCOP trong toàn tỉnh chỉ có 13 chủ thể đã và đang liên kết với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu, còn 6 chủ thể có hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm; các chủ thể còn lại tự sản xuất, thu mua sản phẩm. Đơn cử như huyện Điện Biên Đông đã có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô. Chủ thể các sản phẩm OCOP trong huyện có nguồn lực còn hạn chế nên chỉ dừng lại ở bước thu mua, chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm được nhiều, thậm chí các chủ thể còn khá thụ động; đó cũng là một trong những yếu tố khiến các đặc sản của địa phương chưa phát huy được giá trị.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, các chủ thể sản xuất chưa chủ động vào cuộc. Việc củng cố, phát triển HTX, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm còn khó khăn. Các sản phẩm OCOP sản xuất với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, chưa quan tâm đến mẫu mã bao bì sản phẩm, chưa phát triển theo chiều sâu, chưa xây dựng được thương hiệu. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều vướng mắc; chất lượng sản phẩm OCOP chưa cao, sản lượng tiêu thụ nhỏ, chủ yếu thông qua tư thương mà ít có hợp đồng tiêu thụ, liên doanh liên kết… đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc 28 chủ thể kinh tế. Trong đó có 15 chủ thể là HTX, 7 chủ thể là doanh nghiệp và 6 chủ thể là cơ sở kinh doanh. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ trong việc kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý, tổ chức sản xuất của chủ thể; hỗ trợ hoàn thiện về bao bì nhãn mác, chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của Chương trình OCOP… Tuy nhiên, nhiều chủ thể vẫn còn hạn chế năng lực cũng như tiềm lực tài chính, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa phát huy được giá trị để góp phần nâng cao thu nhập cho chủ thể và người dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Với tổng số 44 sản phẩm OCOP của tỉnh có những sản phẩm được công nhận từ năm 2019 thì đến tháng 6 - 7/2022 mới hết thời gian 3 năm và phải công nhận, đánh giá lại. Trong số đó có 38 sản phẩm do ngành Nông nghiệp quản lý, còn lại do Sở Công Thương quản lý. Đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, để đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như năng lực của chủ thể, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các tiêu chí của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay đối với các HTX, doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị đều chưa được triển khai thực hiện một cách bài bản và còn hạn chế về mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy; tài chính, cơ sở vật chất về cơ bản vẫn chưa phù hợp và đảm bảo. Hầu hết các chủ thể kinh tế là nông dân, trình độ còn hạn chế, hoạt động mang tính tự phát nên chưa xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài; cơ cấu tổ chức, phân công công việc và bố trí con người còn nhiều bất cập… Vì vậy, số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao, ở mức trung bình và cũng chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, để phát triển bền vững và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các chủ thể OCOP phải thật sự tâm huyết, nỗ lực khắc phục những hạn chế trong tổ chức, bộ máy hoạt động; đồng thời không ngừng nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm… Chỉ có sự chủ động, lòng tâm huyết với “đứa con đẻ” của mình thì những sản phẩm đặc sản của địa phương mới được nâng cao giá trị, khẳng định được thương hiệu phát triển bền vững trên thị trường.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top