Giá xăng, dầu tăng cao, doanh nghiệp gặp khó

05:48 - Thứ Sáu, 13/05/2022 Lượt xem: 3836 In bài viết

ĐBP - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa bắt kịp đà hồi phục sau các đợt dịch Covid-19. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng, khiến chi phí sản xuất, vận chuyển, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo càng làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp, tính toán lại phương án sản xuất, kinh doanh, nhằm ứng phó linh hoạt với việc giá xăng, dầu tăng cao.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công dự án san ủi mặt bằng trung tâm huyện Nậm Pồ.

Sau kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 12/5), giá xăng RON 95-V (vùng 2) có giá 30.570 đồng/lít; xăng sinh học E5 RON 92-II có giá 29.520 đồng/lít; dầu diesel 0,05S-II là 27.180 đồng/lít... Giá xăng, dầu tăng cao đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải, nhất trong thời điểm các doanh nghiệp mới phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại sau dịch Covid-19. Việc tăng giá liên tục gây sức ép lớn cho các doanh nghiệp, buộc phải cắt giảm mọi chi phí, hạn chế tới mức thấp nhất tiêu hao nhiên liệu, quản lý chặt chẽ nhiên liệu xăng, dầu để thích ứng, tồn tại.

Nói về giá xăng dầu tăng mạnh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc HTX Vận chuyển hành khách, hàng hóa và dịch vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: HTX hiện có 50 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Tác động của dịch bệnh Covid-19 và giá nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu chiếm tới 40 - 45% giá thành cước vận tải dẫn đến hoạt động của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện nay đơn vị có đến 6 - 7 tuyến phải xin tạm dừng hoạt động (với khoảng 10 đầu xe nằm bãi) do lượng khách vẫn quá ít. Một phần nguyên nhân khiến lượng lớn xe đơn vị nằm bãi cũng là do giá xăng dầu lên quá cao khiến chi phí vận hành bị đội lên, nếu hoạt động sẽ phải bù lỗ. Trong khi đó, lượng khách đi xe đã giảm hơn 50% so với thời điểm chưa xuất hiện dịch nên doanh thu của đơn vị thời gian qua đều không đạt chỉ tiêu. Đối với một số tuyến, dù lượng khách sụt giảm, nhưng để giữ “lốt” (biểu đồ chạy xe), giữ khách, giữ nguồn hàng, nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động, song hầu hết đều giảm tần suất số chuyến để giảm chi phí.

Các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng trong tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao. Có những doanh nghiệp sử dụng hàng chục xe, máy các loại phục vụ thi công công trình, hàng ngày tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu. Nhiên liệu tăng giá mạnh khiến chi phí phát sinh thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng so với trước đây. Theo anh Lưu Chính Long, cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công các dự án công trình của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Long Dương Điện Biên cho biết: Trên các công trình, dự án của đơn vị, có hàng chục thiết bị máy móc tham gia thi công. Nhà thầu đang huy động tối đa máy móc, thiết bị phục vụ thi công dự án để bù đắp tiến độ vốn đã bị chậm do vướng mắc mặt bằng trong thời gian trước đó. Tuy nhiên, với tình hình giá xăng, dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay nên nhà thầu chịu rất nhiều áp lực về chi phí vận hành các thiết bị thi công cơ giới. Với hàng chục đầu máy móc thiết bị, mỗi ngày đơn vị tiêu thụ một lượng rất lớn xăng, dầu. Điều này khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến nhà thầu phải tăng thêm chi phí về nhiên liệu phục vụ thi công mà còn kéo theo giá các loại vật liệu xây dựng cũng đồng loạt tăng. Bởi giá xăng, dầu tăng thì chi phí vận chuyển cũng tăng, giá các loại vật liệu xây dựng vì thế cũng bắt buộc tăng theo.

Trước tình hình trên, cơ quan chức năng khuyến cáo doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng, dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá xăng dầu tăng cao nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt về phía các doanh nghiệp phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng, dầu như doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, cần chủ động tính toán lại cơ cấu kinh doanh, sản xuất, không để phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.

Với việc chịu khó khăn kép từ giá xăng, dầu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng trên địa bàn tỉnh vừa hoạt động cầm cự, vừa ngóng chờ vào giá xăng dầu để đưa ra các giải pháp thích ứng kịp thời. Trước sức ép từ dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao, các đơn vị vận tải mong muốn Nhà nước, cũng như tỉnh Điện Biên sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế, giúp doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn phục hồi sau thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top