Nậm Pồ nỗ lực giảm nghèo

06:09 - Thứ Hai, 16/05/2022 Lượt xem: 3774 In bài viết

ĐBP - Trên cơ sở nguồn lực từ các chương trình: 30a, 135, nông thôn mới... cùng với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của huyện Nậm Pồ thời gian qua có nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4%/năm trở lên, cuối năm 2021 giảm còn 51,74% theo tiêu chí cũ với trên 3 nghìn hộ thoát nghèo.

Từ nguồn lực các chương trình hỗ trợ, người nghèo có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn thịt của người dân bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ.

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể huyện Nậm Pồ đã có nhiều đổi mới. Với vai trò lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn với chủ trương lãnh đạo của huyện là phát huy tối đa các lợi thế về đất đai, nhân lực, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề rừng, dịch vụ, phát triển ngành chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Chỉ đạo chính quyền tham mưu xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng sản xuất theo điều kiện của từng vùng, triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển sản xuất; chỉ đạo các cấp ủy đảng nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của đảng viên trong áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân…

UBND huyện đã có nhiều hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo tìm được cơ hội để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, tổ chức kê khai đất nông nghiệp tạo thuận lợi cho nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất lâu dài; cấp giấy phép kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khai hoang, phục hóa; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình dự án về xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi; tổ chức xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện các chương trình hỗ trợ vốn, giống, cây con, tập huấn kiến thức, đào tạo nghề ngắn hạn; phối hợp tổ chức đưa người lao động đi học nghề và làm việc ngoài tỉnh… Trên cơ sở những hoạt động đó đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, đa dạng hóa các ngành nghề để người dân có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Huyện Nậm Pồ xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và có thành công hay không phải phụ thuộc phần lớn vào chính người nghèo. Các chính sách của Nhà nước giữ vai trò thúc đẩy, tạo cơ hội để người nghèo có điều kiện vươn lên. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã hình thành nhiều cách nghĩ mới, cách làm hay, gương điển hình trong quá trình triển khai, thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững. Điển hình như việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 30a, thay vì mua giống trâu, bò từ các cơ sở cung cấp ngoài tỉnh, UBND các xã đã hướng dẫn, định hướng người dân mua con giống ngay tại địa bàn của huyện. Trong đó, ưu tiên mua giống từ chính những hộ nghèo đã tham gia dự án những năm trước; thông qua đó vừa giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho hộ nghèo, vừa đảm bảo con giống có tỷ lệ sống cao vì đã thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương, đồng thời giảm tối đa vốn đối ứng cho hộ nghèo. Cùng với đó, mô hình “Tài chính tự quản” của phụ nữ các bản với hình thức đóng góp vốn từ những hộ tham gia và cho vay theo hình thức quay vòng không tính lãi giúp hàng trăm hộ nghèo có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Hay như mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng các cây có giá trị, dễ tiêu thụ, như cây sả với hình thức khép kín từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ tinh dầu trên địa bàn xã Vàng Đán; mô hình trồng cam trên địa bàn xã Nậm Tin... đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ở nhiều xã, người dân tận dụng được các lợi thế có sẵn, để phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, tiết kiệm chi phí đầu tư, như: Mô hình trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò tập trung; mô hình bảo vệ và nhân rộng diện tích sa nhân dưới tán rừng kết hợp với chăm sóc, bảo vệ rừng ở Nậm Khăn, Chà Cang; mô hình nuôi ong lấy mật đưới tán rừng, nuôi và kinh doanh cá giống ở Chà Nưa… Thông qua đó góp phần làm tăng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thúc đẩy sự hỗ trợ, liên kết trong cộng đồng xã, bản, sự gắn kết giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top