Hạn chế trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

05:42 - Thứ Hai, 23/05/2022 Lượt xem: 4326 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đến nay các huyện đã xây dựng, phê duyệt 154 dự án liên kết, với tổng kinh phí hỗ trợ 81,236 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt là 118 dự án, gồm: 98 dự án về cây ăn quả, với quy mô hỗ trợ 745ha; 6 dự án cây chanh leo với quy mô 75ha; 6 dự án về lúa gạo với 250ha; 7 dự án rau màu có quy mô trên 10ha và 1 dự án hỗ trợ về cây chè với quy mô 32ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là 24 dự án, gồm: 6 dự án hỗ trợ phát triển đại gia súc với quy mô 600 con; 10 dự án gia cầm trên 23.000 con; 2 dự án về nuôi ong mật với 600 đàn và 6 dự án về thủy sản với quy mô 4ha mặt nước, 2.480m3 lồng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp được phê duyệt 12 dự án, gồm: 11 dự án về cây dược liệu (sa nhân tím và sả) với quy mô trên 90ha và 1 dự án về cây mắc ca với quy mô hỗ trợ 18ha.

Người dân xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) chăm sóc vườn bí xanh thuộc dự án liên kết trồng rau, củ, quả.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ bản các dự án triển khai đảm bảo mục tiêu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các dự án nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, bước đầu thay đổi nhận thức từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa tại một số khu vực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay một số sản phẩm đã cho thu hoạch với giá trị cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế nhiều dự án lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi hỗ trợ thực hiện liên kết chưa thực sự là các sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế, chưa thể hiện tính hiệu quả và phát triển bền vững; quy mô liên kết nhỏ. Có dự án liên kết sản xuất vẫn thực hiện như mô hình khuyến nông. Một số diện tích trồng cây ăn quả (bưởi, xoài) chưa được quan tâm đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém; nhiều dự án lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia chưa phù hợp. Đặc biệt là đầu mối tổ chức thực hiện ở một số địa bàn chưa thống nhất, có huyện thì giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện thì giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, có huyện lại giao cho cả 2 đơn vị trên, gây khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện cũng như tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện chính sách. Một số chủ đầu tư chưa hiểu đầy đủ bản chất, trình tự thực hiện của một dự án liên kết; dẫn đến việc thu hút các đối tượng hưởng lợi tham gia các nội dung của chính sách còn hạn chế cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Hầu hết các dự án liên kết không áp dụng đúng mẫu; các điều khoản ràng buộc về cam kết thu mua sản phẩm chưa rõ ràng. Giá thu mua thấp hơn thị trường và không có giá bảo hành cho người tham gia liên kết; cam kết quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia liên kết lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ...

Để đạt những kết quả thực sự tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nội dung của chính sách hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp biết và tham gia thực hiện. Tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các dự án liên kết; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án liên kết đã, đang thực hiện. Tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai thực hiện dự án mới. Cùng với đó, cân đối các nguồn lực, thế mạnh của địa phương để triển khai thực hiện; các nội dung hỗ trợ đúng trọng tâm, trọng điểm. Các chủ đầu tư chú trọng đến công tác kiểm tra khả năng đối ứng của các hộ gia đình, cá nhân; đánh giá nguồn lao động, đất đai, nội dung thực hiện... Đồng thời rà soát, bổ sung các hợp đồng liên kết đảm bảo tính chặt chẽ của một dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn hỗ trợ.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top