Chế biến nông sản vẫn là khâu yếu

06:15 - Thứ Hai, 11/07/2022 Lượt xem: 4555 In bài viết

ĐBP - Hoạt động chế biến nông sản là khâu quan trọng nhất trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh ta còn bỏ ngỏ, gây nhiều khó khăn trong việc mở rộng vùng sản xuất, tạo liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.

Dây chuyền công nghệ chế biến gạo Điện Biên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên).

Huyện Điện Biên có vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao hơn 4.100ha tại cánh đồng Mường Thanh. Tuy nhiên, đến nay diện tích tham gia vào các liên kết sản xuất có ứng dụng công nghệ chế biến chỉ khoảng 300ha (chiếm 7,3% vùng sản xuất). Những diện tích còn lại là các hộ nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ công nghệ thủ công, thô sơ. Không ứng dụng công nghệ chế biến nên sản phẩm lúa gạo chất lượng không cao, giảm giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đơn cử như vụ đông xuân 2022 vừa qua, đến thời điểm thu hoạch lúa xuất hiện mưa dông kéo dài. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân khu vực lòng chảo đồng loạt đi thu hoạch song không có chỗ phơi; người dân cũng không có phương án chế biến thay thế khiến hàng trăm tấn thóc bị mọc mầm. Ngoài ra, một số diện tích lúa chưa kịp thu hoạch cũng bị mọc mầm ngay ngoài đồng. Nhiều nông dân đã mang thóc đến các cơ sở xay xát để thuê sấy, sơ chế song do hoạt động chế biến chưa được đầu tư nên hầu hết các cơ sở đều không đáp ứng được nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Sen, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Vụ đông xuân vừa qua, gia đình tôi gieo cấy gần 5.000m2 lúa. Thời điểm thu hoạch, gặp mưa dông kéo dài khiến khoảng 2.000m2 lúa không thu hoạch kịp, bị mọc mầm tại ruộng. Thực ra gia đình tôi có thể thu hoạch hết 100% diện tích trước thời điểm trời mưa, song thu hoạch về không có chỗ phơi nên đành để thóc ngoài đồng. Tuy nhiên, không ngờ thóc cũng bị mọc mầm ngay trên bông làm chất lượng hạt thóc giảm, bán không được giá.

Hoạt động chế biến chưa được đầu tư, phát triển khiến việc mở rộng các liên kết sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, sản phẩm khoai sọ tím Tủa Chùa được xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao của tỉnh. Khi đó vùng nguyên liệu tập trung chỉ có vỏn vẹn 5ha tại xã Trung Thu. Đây là sản phẩm đặc sản địa phương, lại được chứng nhận sản phẩm OCOP nên sản phẩm sản xuất đến đâu là tiêu hết đến đó. Chính vì vậy, huyện Tủa Chùa đã dự định sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất khoai sọ thêm khoảng 20 - 30ha tại một số xã lân cận như: Sính Phình, Lao Xả Phình, Tả Phìn. Tuy nhiên việc mở rộng vùng nguyên liệu lại gặp khó khăn về vấn đề chế biến.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Hiện nay vùng sản xuất nhỏ, sản lượng khoai sọ còn ít nên có thể tiêu thụ hết ngay sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, khi vùng nguyên liệu được mở rộng, sản lượng lớn nếu không ứng dụng công nghệ chế biến thì chất lượng sản phẩm sẽ không đạt. Bởi vì khoai sọ nếu để lâu, không được chế biến sẽ dễ bị sung, sượng, chất lượng sản phẩm thấp khi đó thương hiệu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Cần thiết là vậy nhưng đến nay trên địa bàn huyện chưa có tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào đầu tư công nghệ chế biến khoai sọ.

Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động chế biến nông sản vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa có dây chuyền công nghệ chế biến sâu là do nội lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư các nhà máy, dây chuyền công nghệ chế biến nông sản trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh nâng cấp máy móc, công nghệ phục vụ hoạt động bảo quản, chế biến. Do đó, công nghệ chế biến nông sản đang là khâu yếu nhất trong các liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay bảo quản sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chỉ đơn giản là xây nhà kho truyền thống, không đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại, tiêu chuẩn. Do vậy, sản phẩm tồn kho càng lâu càng giảm chất lượng, kéo theo giá trị, thương hiệu sản phẩm giảm theo. Những năm qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã nội tỉnh xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhưng do năng lực còn yếu nên chỉ đáp ứng được diện tích rất nhỏ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top