Công khai, minh bạch, đúng đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất

14:19 - Thứ Hai, 11/07/2022 Lượt xem: 2641 In bài viết

Chính sách hỗ trợ lãi suất là giải pháp quan trọng, cộng hưởng với các giải pháp của ngành ngân hàng đã và đang triển khai sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh của Vietcombank.

Thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đồng thời, kịp thời ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc hai nhóm: Một là, các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục-đào tạo; nông-lâm nghiệp-thủy sản; công nghiệp chế biến-chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin... Hai là, thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của bộ).

Liên quan đối tượng được hỗ trợ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng băn khoăn khi đây là một trong những vướng mắc cho các ngân hàng: “Chúng tôi ước tính dư nợ được hỗ trợ khoảng hai triệu tỷ đồng, chia cho một năm rưỡi thực hiện, bình quân có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ lãi suất được giải ngân từ ngân sách. Nhưng vì đối tượng quy định quá chặt chẽ, nếu không cẩn thận sẽ không tiêu hết gói ngân sách hỗ trợ và mục tiêu sẽ không đạt được”. Bởi lẽ, số dư nợ, số khách hàng đáp ứng được yêu cầu để được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 là không lớn, riêng với TPBank, con số này chưa đến 10% tổng dư nợ.

Một vướng mắc cũng được ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phản ánh, đó là nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn tiếp cận gói hỗ trợ này vì điều kiện, tiêu chí khá chặt chẽ. Hai năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng khá nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19 cho nên không tránh khỏi nợ xấu, bị chuyển nhóm nợ. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng được điều kiện không có nợ xấu, phải có tài sản bảo đảm, có lợi nhuận. “Với những quy định này, rất ít doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước”, ông Hùng cho hay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ các ngân hàng sớm triển khai chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. “Riêng đối với các câu hỏi liên quan đối tượng được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổng hợp và có các văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng giải đáp cho các ngân hàng thương mại”, ông Tú khẳng định. Đáng lưu ý, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nhấn mạnh việc khi xây dựng nghị định, các điều kiện đối với đối tượng được hỗ trợ lãi suất đã được bàn thảo rất kỹ.

Giải ngân hơn 16 nghìn tỷ đồng trong năm

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện doanh số cho vay các khoản tín dụng được hưởng chính sách này từ ngày 1/1/2022 đến nay là 2,8 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (hơn 23.965 tỷ đồng). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng để triển khai sớm chính sách. Điều quan trọng lúc này là các ngân hàng thương mại hoàn thiện quy chế để khẩn trương triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cho hay, tại thời điểm xây dựng dự thảo nghị định, thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã tham gia ý kiến, quán triệt ngay từ giai đoạn xây dựng văn bản. Agribank đã ban hành bốn văn bản để chỉ đạo triển khai hướng dẫn và tập huấn cho 24.000 cán bộ có liên quan, đặc biệt quán triệt nghiêm cấm cảnh báo đến toàn hệ thống vi phạm trục lợi chính sách trong quá trình triển khai chính sách.

Thế nhưng trong thực tế, toàn hệ thống Agribank cũng rất lo lắng, vì gói hỗ trợ trước đây đến giờ vẫn chưa giải quyết xong những bất cập cũ, đồng thời khi triển khai chính sách còn gặp nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ để chứng minh.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, số lượng ngân hàng tham gia nhiều, do đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị mà Quốc hội, Chính phủ giao, đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các ngân hàng thương mại, khách hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trong hội nghị triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 31.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top