ĐBP - Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế được người dân ưa chuộng bởi sự nhanh chóng, tiện lợi. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng trong TMĐT, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện nay ngoài việc người dân mua hàng trực tuyến trên các trang TMĐT bán hàng uy tín như: Shopee, Lazada, Tiki, Postmart… thì trên các trang mạng xã hội cũng đang xuất hiện rất nhiều hình thức bán hàng trực tuyến với các sản phẩm được quảng cáo “hạ giá, chất lượng tốt” được nhiều người dân quan tâm và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhận “trái đắng” khi hàng không như quảng cáo ban đầu, hoặc người tiêu dùng nhận được hàng nhái các nhãn hiệu lớn. Trước thực trạng đó, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người dân và doanh nghiệp; tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về những chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, Sở Công Thương tổ chức tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; tổ chức các cuộc tọa đàm về thực trạng, thi hành pháp luật về bảo vệ quyền người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phối hợp các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh trực tiếp, trực tuyến với tất cả các mặt hàng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng nhái; tăng cường kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp và thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện Quyết định số 1157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021- 2025, lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với việc kinh doanh, buôn bán trên địa bàn tỉnh. Gắn công tác kiểm tra xử lý vi phạm với việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức hoạt động sản xuất, kinh doanh; duy trì đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của nhân dân về hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, nhiều trường hợp bán hàng, kinh doanh không hợp pháp làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng đã được phát hiện kịp thời. Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã trực tiếp kiểm tra 430 vụ; phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 137 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước 272,95 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng số vụ phát hiện là 17 vụ. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ, số tiền xử phạt là 40,4 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.
Trong thời đại kinh doanh, mua bán 4.0 như hiện nay, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì cũng rất cần có sự chung tay, nâng cao ý thức của chính doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng ngày càng tinh vi, vì vậy người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước khi thực hiện mua hàng.