ĐBP - Sáng nay (13/7), Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
RCEP là hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Niu Di lân tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người với khoảng 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước trước đây. RCEP là cơ hội mở rộng thị trường cho Việt Nam ra khu vực và toàn cầu, nhất là việc xuất khẩu nông sản.
Đại diện các bộ, ngành đã tham luận, thảo luận đề ra các giải pháp về: Tận dụng cơ hội từ hiệp định RCEP để thúc đẩy đa dạng hóa và tăng cường xuất khẩu; góc nhìn từ doanh nghiệp về hiệp định RCEP; khó khăn và thách thức trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc; thủ tục quản lý xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới; giải pháp hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; giải pháp thúc đẩy nông sản Việt Nam sang các thị trường RCEP…
Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Hiệp định RCEP, cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích, giảm thiểu các nguy cơ, thách thức mà Hiệp định có thể mang lại; các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành kế hoạch thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao để đảm bảo công tác thực thi Hiệp định được hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và các văn bản có liên quan. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khả thi và xây dựng các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng chuyên sâu giúp các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu.