ĐBP - Xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) có diện tích rộng, chủ yếu là đồi núi; thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Việc đẩy mạnh mô hình trồng cỏ nuôi nhốt gia súc theo hướng tập trung phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Xã Phìn Hồ có địa hình rộng, nhiều đồi núi; người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế tập trung vào phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Với nhiều bãi chăn thả gia súc, nguồn thức ăn dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi, thích hợp cho chăn nuôi và phát triển đàn gia súc, đặc biệt là trâu, bò, ngựa... Phát huy lợi thế này, thực hiện Nghị quyết: “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ khóa II, Đảng ủy xã Phìn Hồ đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình hành động phát triển các đề án chăn nuôi phù hợp với điều kiện của xã, tập trung đẩy mạnh, phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Trong đó, đề án trồng cỏ, chuyển đổi chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt, bán nuôi nhốt được đặc biệt chú trọng, nhằm gia tăng số lượng và phát triển đàn gia súc, đưa Phìn Hồ thành xã chăn nuôi gia súc trọng điểm của huyện.
Người dân Phìn Hồ sau nhiều năm chăn nuôi theo lối cũ (thả rông trâu bò trên núi, mặc dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt) kém hiệu quả do gia súc thường bị chết rét, chết do dịch bệnh... đã bắt đầu thay đổi. Hiện nay, với mô hình trồng cỏ, chuyển đổi chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển đàn gia súc. Mô hình đã tạo thế chủ động cho người dân từ khâu trồng, sản xuất thức ăn cho đàn gia súc, chủ động giữ ấm, phòng tránh các điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể tác động đến vật nuôi. Đồng thời, đàn gia súc cũng được chăm sóc phòng tránh các dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển.
Ông Hạng A Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Phát triển, tái tạo đàn gia súc nhằm phát triển kinh kế, đảm bảo sinh kế của người dân là một trong các mục tiêu quan trọng được cấp ủy chính quyền xã hết sức quan tâm, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia; đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, an toàn và hiệu quả. Đến nay, đề án trồng cỏ, chuyển đổi chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt đã triển khai được hơn 50%, mỗi năm xã cố gắng nhân rộng, tăng thêm 6 - 7 mô hình nuôi nhốt, vỗ béo đàn gia súc, đồng thời tăng diện tích trồng cỏ ở các khu vực đất ven đường, ven đồi, đất trồng ngô sắn kém hiệu quả.
Ông Giàng A Kỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phìn Hồ chia sẻ: Trước kia người dân nuôi gia súc nhiều, chủ yếu là trâu bò. Việc chăn nuôi đa số thả rông, kém hiệu quả (số gia súc bị chết do dịch bệnh, giá rét mỗi năm khá nhiều). Đàn gia súc tăng, thì các bãi chăn thả gần bản không đủ đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của gia súc... Những năm gần đây, nhờ có đề án phát triển đàn gia súc và mô hình trồng cỏ, chuyển đổi từ thả rông sang nuôi nhốt, đàn gia súc trong xã phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững cho nhiều hộ. Việc triển khai, phát triển thêm diện tích trồng cỏ voi cũng được tiến hành rất tích cực; đến nay đã trồng được hơn 15ha, đảm bảo chủ động nguồn cung cấp thức ăn cho vật nuôi. Đàn gia súc lớn (trâu, bò, ngựa) của xã phát triển gần 5.000 con, mỗi hộ nuôi ít nhất 5 - 6 con. Đây là sinh kế chủ yếu và bền vững giúp người dân từng bước nâng cao đời sống.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi nhốt, vỗ béo gia súc, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ chuyển sang hình thức nuôi nhốt này. Ông Ngải Cù Lỷ, bản Đề Pua - một trong những hộ tiên phong trong hưởng ứng đề án trồng cỏ, chuyển đổi từ thả rông sang nuôi nhốt vật nuôi. Với 6 lao động mỗi năm tổng thu nhập gia đình ông đạt 400 triệu đồng. Gia đình ông cũng chủ động được việc chăm sóc, cung cấp thức ăn an toàn cho vật nuôi, nhân giống, tái tạo đàn gia súc nhanh, đồng thời thúc đẩy sự sinh trưởng của vật nuôi, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Có thể thấy, với một xã vùng cao đề án trồng cỏ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt là mô hình phù hợp, tạo điều kiện để người dân tăng thêm thu nhập, hướng tới phát triển chăn nuôi hàng hóa theo hướng an toàn và bền vững.