ĐBP - Vụ mùa 2022, TP. Điện Biên Phủ gieo cấy hơn 1.314ha lúa. Để hỗ trợ nông dân đạt vụ lúa mùa thắng lợi, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa đang được thành phố tích cực triển khai thực hiện.
Phòng Kinh tế thành phố hiện đang triển khai 3 mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ mùa tại 8 xã, phường trên địa bàn với 601 hộ dân tham gia, tổng quy mô 81ha. Trong đó, thực hiện chuyển giao các giống lúa mới có chất lượng, năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa bàn triển khai; chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất lúa như áp dụng máy cấy, áp dụng kỹ thuật bón phân cân đối hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Để thuận lợi trong việc triển khai các mô hình cũng như giúp hộ dân tham gia mô hình nắm bắt được quy trình sản xuất lúa vụ mùa và các tiến bộ kỹ thuật mới của mô hình, Phòng Kinh tế đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất các giống lúa mới cho người dân.
Tại xã Pá Khoang, mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa vụ mùa được triển khai với quy mô 10ha và 59 hộ dân tại bản Kéo, bản Ten tham gia. Mô hình thực hiện chuyển giao 2 giống lúa mới là J02 và HD11, chuyển giao kỹ thuật máy cấy cầm tay và thực hiện trồng giống lúa nếp 97 để đối chứng hiệu quả với giống lúa nếp trước đây bà con từng trồng. Triển khai mô hình, lần đầu tiên trên đồng ruộng xã Pá Khoang, máy cấy lúa cầm tay được bà con nông dân đưa vào sử dụng.
Gia đình anh Lường Văn Hùng, bản Kéo là một trong những hộ đầu tiên thử nghiệm máy cấy lúa cầm tay. Sau hơn 1 giờ sử dụng máy cấy, những hàng mạ thẳng đều đã trải kín 1.500m2 ruộng của gia đình. Phấn khởi nhìn mảnh ruộng vừa cấy xong, anh Hùng cho biết: Cấy bằng máy là phương pháp hoàn toàn mới ở địa phương nên khi triển khai gia đình tôi cũng như các hộ nông dân trong bản thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, khi được cán bộ nông nghiệp của thành phố về tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn chúng tôi thấy rất yên tâm thực hiện. Trong quá trình làm, được sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ Phòng Kinh tế, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp thành phố, cán bộ khuyến nông xã nên tôi sử dụng máy cấy dễ dàng, thuận lợi.
Theo ông Lò Văn Sâm, cán bộ khuyến nông xã Pá Khoang, việc áp dụng máy cấy lúa có nhiều lợi ích và hiệu quả sản xuất. Cây lúa thẳng và không bị gãy hoặc đứt trong quá trình cấy, thuận lợi cho lúa bén rễ, phục hồi nhanh và phát triển tốt; hạn chế được mầm cỏ dại và lúa lẫn tạp. So với gieo sạ thì việc gieo cấy bằng máy gần như không phải sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, mật độ gieo cấy thưa, cây lúa quang hợp tốt, ruộng lúa thông thoáng hạn chế sâu bệnh phá hoại như khô vằn, rầy… nên giảm sử dụng phân bón và chi phí thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe người dân.
Đánh giá về hiệu quả của việc triển khai các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, bà Trần Thị Mai, Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Ngoài chuyển đổi giống lúa đạt chất lượng cao thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lúa. Đặc biệt việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa được xem là vấn đề then chốt, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà nông, nhất là vào giai đoạn chuẩn bị gieo sạ, việc ứng dụng máy cấy lúa của nông dân đã giảm nhân công lao động, giảm dịch bệnh trên lúa trong quá trình sinh trưởng. Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của bà con sang nền sản xuất tiên tiến hiện đại, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; góp phần nâng cao thu thập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.