Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

07:09 - Thứ Bảy, 30/07/2022 Lượt xem: 5007 In bài viết

ĐBP - Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay; đặc biệt là sau thời gian dưới tác động của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến.

Nhiều doanh nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ.

Những tín hiệu tích cực

Chính thức khởi tạo gian hàng trên sàn TMĐT PostMart.vn hơn 2 năm, đến nay anh Đào Hồng Hiếu, hộ kinh doanh phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ đã có 29 mặt hàng nông sản được đưa thành công lên sàn PostMart.vn. Ngoài sàn TMĐT PostMart.vn, anh Hiếu còn thường xuyên đưa các sản phẩm nông sản của gia đình lên các trang mạng xã hội khác như: Facebook, zalo, shopee...

Anh Đào Trọng Hiếu cho biết: Được nhân viên phụ trách trang PostMart.vn liên hệ và giới thiệu về các giao diện cũng như tính năng của trang, tôi đã quyết định khởi tạo gian hàng đưa các sản phẩm như: Mật ong khoái rừng, miến dong, bún gạo lứt, măng khô, tinh dầu sả, hạt mắc ca, thịt sấy các loại... lên sàn TMĐT để bán. Mặc dù đơn hàng từ PostMart.vn chưa nhiều song bước đầu đã giúp tôi có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm lâu dài, còn người tiêu dùng cũng có thêm lựa chọn về những sản phẩm nông sản uy tín.

Bán hàng trên sàn TMĐT giúp hộ kinh doanh như anh Hiếu không tốn kinh phí khâu trung gian và có nhiều phân khúc khách hàng tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, để tạo được thương hiệu trên các sàn TMĐT, anh phải cam kết đảm bảo về chất lượng, số lượng, nếu vi phạm phải chịu xử phạt theo quy định của từng sàn TMĐT.

Còn với anh Lê Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dứa Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) thì việc được hỗ trợ khởi tạo gian hàng, tài khoản giao dịch trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn đã giúp HTX giải quyết khó khăn cho đầu ra sản phẩm. Không chỉ lên đơn hàng, đóng gói và vận chuyển, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên (đơn vị hỗ trợ sản xuất và đưa sản phẩm dứa trên sàn TMĐT) còn giao hàng đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, khoảng 10 tấn dứa với trên 2.500 đơn hàng bán lẻ trên sàn giao dịch TMĐT đã được tiêu thụ. Ngoài ra, Công ty hướng dẫn các hộ sản xuất cách vận hành và quản lý tài khoản, gian hàng trên nền tảng số và đã có nhiều hộ sản xuất dứa tìm hiểu, đăng ký mở gian hàng, tài khoản trên sàn TMĐT Voso.vn.

Là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng như: Gạo, chè, cà phê, mật ong, thịt sấy khô; toàn tỉnh hiện có 44 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao. Sau khi Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đưa nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn đã mang lại chuyển biến tích cực. Song song với việc hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT, Sở Thông tin và Truyền thông còn phối hợp với Bưu điện tỉnh và Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia.

Cần giải pháp căn cơ

Hiện nay, toàn tỉnh có 30 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh bằng phương thức TMĐT được tiếp nhận và chấp thuận thông báo đăng ký hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên dụng, bố trí cán bộ chuyên trách về TMĐT, sử dụng dịch vụ công do các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp... Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù thời gian qua việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã giúp nông dân tiêu thụ nông sản song số lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để đảm bảo độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là thách thức lớn. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng trên mạng chưa được chú trọng như hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, việc thay đổi giá bán chưa kịp thời. Một số doanh nghiệp xây dựng website TMĐT phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, công bố giá bán sản phẩm dịch vụ, thông tin so sánh sản phẩm, phương thức giao nhận hàng. Còn chức năng thanh toán trực tuyến phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện được; vẫn áp dụng phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt thông qua doanh nghiệp vận chuyển với hình thức thu hộ, một số ít thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng.

Trước thực trạng trên, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động TMĐT nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Căn cứ Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả 24 đề án TMĐT được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trong đó, 8 đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt và 16 đề án thuộc chương trình phát triển TMĐT do tỉnh Điện Biên phê duyệt). Các đề án tập trung vào nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX như: Tổ chức lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ quản lý doanh nghiệp, HTX trên trên địa bàn tỉnh; phát triển kinh doanh và vận hành trên sàn TMĐT cho doanh nghiệp; thiết lập hệ thống kênh bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, Sở cũng triển khai đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Điện Biên xúc tiến bán hàng online bằng phương thức tiếp thị đa kênh” thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia. Kết quả, đến nay đã xây dựng Hệ thống Omni-Channel Marketing gồm 5 website, hệ thống email, 5 fanpage trên facebook cho 5 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh. Triển khai đề án Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh, đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp và HTX xây dựng Bộ thương hiệu trực tuyến gồm 5 website, email và 5 fanpage. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp trang bị phần mềm hóa đơn điện tử, chứng thư số server, phần mềm quản lý bán hàng, xây dựng website. Qua đó góp phần phổ biến kiến thức pháp luật về TMĐT, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách hàng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” và xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới như: Hợp tác xã M’Then, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên, Công ty TNHH Trà Phan Nhất, Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế, hộ kinh doanh Trần Đại Dũng (xã Pom Lót, huyện Điện Biên)...

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top