Có rừng - cuộc sống yên bình, no ấm

07:15 - Thứ Bảy, 30/07/2022 Lượt xem: 3828 In bài viết

ĐBP - Dừng chân tại Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), không khí mát lạnh, trong lành “chạm” mạnh vào các giác quan. Tênh Phông được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu tuyệt vời. Để giữ được lợi thế đó có phần quan trọng từ bàn tay con người. Nhân dân Tênh Phông, đặc biệt là cộng đồng 3 bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa (được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn nhất xã) coi rừng như nhà, có rừng mới có thời tiết mát lành, cuộc sống yên bình, ấm no.

Người dân bản Ten Hon cùng lực lượng kiểm lâm, Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng tuần tra rừng được phân quản lý, bảo vệ.

Rừng đau, người xót

Toàn xã Tênh Phông có trên 2.350ha rừng, trong đó hơn 1.700ha rừng giao cho cộng đồng 3 bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa quản lý. Xuyên qua bản Ten Hon đi về phía rừng, nổi trên nền cây xanh mướt là vô số những thân khô trơ trọi, cao trội, đứng sừng sững. Đó là dấu vết còn lại từ trận cháy rừng dữ dội vào tháng 3/2016. Ông Mùa Sua Thào, Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng 3 bản, kể lại: “Mùa đông năm ấy băng giá khiến nhiều cây chết khô, sang đến mùa nắng nóng thì bén lửa cháy. Từ một khoảng nhỏ lan nhanh không kiểm soát, không dập được, to hơn cả cháy nhà. Cả xã, cả huyện huy động lực lượng hàng trăm người tham gia chữa cháy nhưng lửa vẫn cứ phừng phừng, thiệt hại đến 70% diện tích rừng của 3 bản. Nhiều bà con bất lực, chỉ biết đứng khóc. Sau khi tắt lửa, hiếm hoi cây to còn sống, hàng chục héc ta thảo quả dưới tán rừng cũng cháy rụi”.

Khi lửa tàn, than nguội, người dân Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa vào thăm rừng, nhiều khoảnh rộng lớn chỉ còn lại là tro bụi, gốc khô đen kịt. “Mất rừng xót lắm mà không biết phải làm sao. Từ đời ông, cha, đến chúng tôi, rồi con cháu đều thân quen với cánh rừng này. Xưa còn bé thì rừng rậm rạp, không có lối đi, toàn cây to 1 - 3 người ôm, nhiều thú hoang, chúng tôi chỉ dám chơi, trèo leo cây ngoài bìa rừng, sợ không dám vào sâu. Sau nhiều năm, rừng cũng thay đổi nhưng vẫn còn nhiều cây cổ thụ, vậy mà lửa thiêu rụi gần hết” - ông Mùa Chừ Tú (45 tuổi), người dân bản Ten Hon chia sẻ.

Mất rừng, người dân các bản trên không chỉ mất đi nguồn thu nhập quan trọng từ trồng dược liệu dưới tán rừng mà còn thiếu nguồn nước sử dụng sinh hoạt, sản xuất. Trước đây, bà con dẫn nước từ các khe núi, thoải mái sử dụng quanh năm nhưng mấy năm liền sau vụ cháy rừng, mỗi năm thiếu nước hơn 1 tháng mùa khô. Bởi vậy, người dân Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa nói riêng, xã Tênh Phông nói chung hiểu rõ vai trò quan trọng của rừng và càng thêm trân trọng rừng.

Gắn với rừng để hưởng lợi từ rừng

Đi sâu vào bản Ten Hon, giáp bìa rừng ngày nay vẫn còn nhiều cây cổ thụ 1 người lớn ôm không xuể, cùng với đó rất nhiều gốc khô (chết do thời tiết cực đoan) đã bị cưa, có đường kính 4 - 5 gang tay người trưởng thành. Nhìn về phía rừng năm xưa bị cháy, nay đã phủ xanh, từ tro than, những gốc pơ mu, sa mu, dổi, dẻ... vẫn vươn lên mạnh mẽ. Ông Mùa Sua Thào, Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng bảo: “Để tôi dẫn các phóng viên vào sâu trong rừng, có nhiều gốc pơ mu khoảng 5 năm tuổi, to bằng bắp chân đang lên lắm. Không biết bao nhiêu thế hệ nữa mới được ngắm lại rừng cây to như xưa, nhất định chúng tôi phải bảo vệ tốt cho rừng này. Chúng tôi phân chia khu vực tuần tra rừng theo bản. Mỗi bản có trách nhiệm lập nhóm dân bản (luân phiên nhau), có sự tham gia của thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên đi rừng. Mùa mưa thì có thể 1 lần/tuần, mùa khô thì 2 - 3 ngày/lần, có khi đi hàng ngày luôn. Mỗi lần có 7 - 8 người đi. Nếu phát hiện phá rừng, nguy cơ cháy rừng thì xử lý ngay và điện báo cho Tổ và bản”.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền cho người dân về quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Năm 2018, trong quá trình đi tuần tra rừng, nhóm bản Ten Hon phát hiện 2 đối tượng phá rừng, đã hạ 9 cây, trong đó có 3 cây dổi cổ thụ. Ngay sau đó 2 đối tượng được giao cho cơ quan chức năng xử lý. Từ đấy đến nay, trên địa bàn không xảy ra bất kỳ vụ cháy rừng hay phá rừng nào. Ông Hà Quang Chức, kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo) cho biết: Cộng đồng 3 bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa rất coi trọng rừng, nhiệt tình, hết mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiện được đánh giá là một trong những cộng đồng thực hiện công tác này tốt nhất trên địa bàn huyện. Họ thường xuyên đi tuần tra rừng với trách nhiệm cao, đi hết và đi sâu vào từng khu vực để kiểm tra, mùa hanh khô thì chủ động phòng ngừa cháy, canh gác và làm đường băng cản lửa. Bởi lẽ họ hiểu được giá trị của rừng, rừng “trả lại” cho họ không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào, nguồn lợi kinh tế dưới tán rừng...

Bảo vệ rừng tốt đã mang lại không ít lợi ích cho người dân trên địa bàn. Có thể nói nhiều hộ dân tại các bản trên sống nhờ vào rừng. Hàng năm cộng đồng không chỉ được nhận hơn 600 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà bà con còn biết tận dụng tán rừng trồng trên 83ha thảo quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Thời điểm này, thảo quả chuẩn bị cho thu hoạch, người dân Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa càng thêm rạng rỡ với một mùa quả hứa hẹn. Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon cho biết: Năm nay thảo quả sai quả, chắc sẽ được mùa. Giá như trước thì 20.000 đồng/kg quả tươi, 120.000 - 130.000/kg quả khô, 1ha thu được gần 2 tấn quả tươi, 1kg tươi có thể phơi được 3 lạng khô. Cứ tính thế thì năm nay chắc bà con sẽ có thu nhập ổn, bởi trồng thảo quả không cần chăm bón, cũng không cần trồng mới, năm nay hết mùa cây lụi, năm sau tự mọc lên. Ten Hon là bản đông dân nhất trong cộng đồng 3 bản với 124 hộ, vẫn còn nhiều hộ nghèo, sống dựa vào rừng. Trong khi 95% hộ có trồng thảo quả, nên bà con rất trông đợi vào cây trồng này”.

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng cũng là một trong những định hướng quan trọng mà Tênh Phông xác định để đưa xã thoát khỏi đói nghèo. Hiện toàn xã có 83,5ha thảo quả, 7,4ha sa nhân, hơn 1ha sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất... dưới tán rừng. Ông Lầu A Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài cộng đồng 3 bản thì xã còn giao quản lý, bảo vệ rừng cho 2 cộng đồng bản Huổi Anh và Thẳm Nặm (diện tích rừng ít). Từ khi giao theo hình thức này, các cộng đồng có ý thức, trách nhiệm cao, tham gia giữ rừng tốt. Tênh Phông có khí hậu thuận lợi, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng để giữ nguồn nước và phát triển các cây dược liệu dưới tán rừng như thảo quả, sa nhân và trồng thử nghiệm sâm, tìm hướng phát triển kinh tế gắn với rừng một cách hiệu quả, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top