ĐBP - Vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo cấy hơn 20.322ha lúa. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc địa bàn huyện Điện Biên (gần 5.400ha); tiếp đến là Nậm Pồ (2.355,2ha); Điện Biên Đông (1.650ha); Tủa Chùa 1.258ha... Thời điểm này, cây lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc, bón phân, thường xuyên bám sát đồng ruộng đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, thời gian này mưa nắng thất thường, nên dễ xuất hiện dịch bệnh. Qua kiểm tra, hiện nay tại một số địa phương, các đối tượng ốc bươu vàng, chuột gây hại phổ biến. Ngoài ra, ruồi đục lá, tuyến trùng rễ, sâu keo... gây hại rải rác. Qua rà soát đến hết tháng 6, diện tích nhiễm 3.883ha, tăng 2.592ha so cùng kỳ năm trước. Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa mùa, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp chăm sóc, bón phân cho lúa kịp thời, đúng kỹ thuật để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không để sâu bệnh hại lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng tới năng suất lúa. Cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn cũng tăng cường đến cơ sở, bám sát đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn bà con gieo cấy, chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Thực hiện điều tra, nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại chính trên cây lúa đông xuân cuối vụ như đạo ôn, tập đoàn rầy để cảnh báo sớm tình hình sinh vật gây hại vụ mùa, đảm bảo sản xuất vụ mùa năm 2022 đạt kết quả cao.
Trên cơ sở các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn người dân chủ động chăm sóc, bảo vệ cây lúa. Vụ mùa năm nay, huyện Điện Biên gieo cấy gần 5.400ha lúa; trong đó các xã vùng lòng chảo gần 4.000ha, các xã vùng ngoài gần 1.400ha. Trong quá trình sản xuất, UBND huyện chỉ đạo các xã tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ từ khâu làm đất đến gieo cấy lúa, nhất là trà sớm. Riêng khâu làm đất, thu hoạch lúa xuân đến đâu lấy nước và làm đất ngay đến đấy, giúp đất được làm kỹ, bảo đảm phân hủy gốc rạ trước khi gieo cấy lúa mùa. Một số xã chú trọng đến sản xuất theo vùng quy hoạch 3 vụ để thực hiện tốt trà lúa mùa sớm, làm vụ đông. Để đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động duy trì mực nước hợp lý trên đồng, không để ruộng thiếu nước, khô cạn hoặc ngập úng sau khi gieo cấy. Thường xuyên kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ thửa, chủ động tiêu thoát nước kịp thời khi mưa lớn. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa.
Do chủ động chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hiện nay diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đều sinh trưởng và phát triển tốt. Trên các trà lúa chưa phát hiện các loại sâu bệnh hại mới, sâu bệnh nguy hiểm. Đối với diện tích bị nhiễm các loại bệnh hại thông thường, người dân đã tiến hành phun phòng trừ được hơn 3.000ha. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới diễn biến thời tiết sẽ phức tạp và tình hình dịch bệnh trên cây lúa có nguy cơ phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột. Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, công tác phòng, trừ sâu bệnh cần được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục quan tâm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại lúa, không để lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.