Hiệu quả mô hình trồng quế ở Mường Toong

08:30 - Thứ Tư, 03/08/2022 Lượt xem: 5176 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế diện tích kém hiệu quả sang trồng quế. Diện tích quế ngày càng mở rộng, tập trung ở các bản: Huổi Ping, Mường Toong 1, Mường Toong 3.

Người dân bản Huổi Ping, xã Mường Toong khai thác tỉa cây quế.

Năm 2016, nhận thấy cây quế có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ông Thào Seo Sình, bản Huổi Ping, xã Mường Toong mua hơn 1.000 cây quế giống từ tỉnh Lào Cai về trồng trên diện tích nương ngô kém hiệu quả.

Ông Thào Seo Sình cho biết: Trồng quế cũng như cây lâm nghiệp khác, vất vả chăm sóc 2 - 3 năm đầu, sau đó cây khép tán là không mất công phát cỏ, từ năm thứ 4 trở đi có thể tỉa cành, tỉa thưa cây bán dần. Sau khi trồng lứa đầu, tôi tích cực tìm hiểu, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào quá trình làm bầu ươm hạt, chăm sóc cây, đến nay gia đình tôi đã nhân rộng diện tích lên gần 3ha cây quế. Trong đó, nhiều cây quế trồng từ năm 2016 có đường kính từ 10 - 15cm, đã sẵn sàng cho thu hoạch lá và vỏ cây. Hiện nay, thương lái đã đến đặt mua cây nhưng gia đình muốn chăm sóc thêm một thời gian để bán với giá cao hơn. Tôi cũng đang ươm khoảng 4.000 - 5.000 cây giống để thời gian tới sẽ tiếp tục trồng 2ha cây quế nữa.

Ngoài ông Thào Seo Sình, ở bản Huổi Ping có hơn 40 hộ dân khác mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây quế. Xác định trồng quế là một hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, tháng 7 vừa qua, bản Huổi Ping đã thành lập Hợp tác xã trồng và chế biến cây quế với 7 thành viên. Đi vào hoạt động, hợp tác xã có nhiệm vụ ươm và phân phối giống cây; hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện kinh tế các thành viên còn nhiều khó khăn nên hợp tác xã mong muốn được chính quyền các cấp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, lâu dài; trong đó hỗ trợ kinh phí mua máy chiết xuất tinh dầu quế.

Là xã vùng cao, địa hình chủ yếu đồi núi, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Mường Toong đã chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, phát triển rừng. Trong đó có việc chuyển đổi các diện tích trống hoặc canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây để phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt là phát triển cây quế. Hiện nay, xã Mường Toong có 23ha quế được trồng phân tán. Những diện tích cây quế từ 4 - 6 năm tuổi được khai thác tỉa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Khoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Có tiềm năng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, người dân Mường Toong dựa vào thế mạnh đồi rừng, chuyển những cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Trung bình mỗi héc ta tỉa cành, lá được khoảng 15 tấn; thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/ha. Do vậy, Mường Toong đặt mục tiêu đưa quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng. Đồng thời, chính quyền xã cũng tăng cường tìm kiếm, mời gọi khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân trồng, thu mua và chế biến sản phẩm từ cây quế.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân Mường Toong, cây quế đã và đang góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top