Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều đạt tăng trưởng ấn tượng, các doanh nghiệp tích cực tận dụng ưu đãi, lợi ích của hiệp định rõ rệt hơn. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục tăng tốc trên “cao tốc EVFTA”, đem về “trái ngọt” cho thương mại Việt Nam thời gian tới.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP.
Những kết quả ấn tượng
Trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi song xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt tăng trưởng trên 14%. Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho rằng, đây là một trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định thương mại tự do khác trong năm đầu tiên thực thi. Sang năm thứ hai, nhất là 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam với EVFTA lên đến trên 32%. “Tỷ lệ này cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, ông Lương Hoàng Thái thông tin.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hà Lan, Thụy Điển… đạt kết quả ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan 6 tháng đầu năm đạt 5,343 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 5,042 tỷ USD, tăng 29,6%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 811 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển 634,9 triệu USD, tăng 17,9%.
Về cơ cấu ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, như hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021, gạo tăng 42,9%, thủy sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%... Mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất vào EU là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép (147%), hạt tiêu (81,3%), cà phê (62,7%)... Hiện, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN.
Đánh giá về kết quả sau 2 năm thực thi EVFTA, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Với EVFTA, chúng ta có những đối tác tốt nhất so với các hiệp định thương mại đã ký kết do hàng hóa của hai bên có tính bổ sung lẫn nhau. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ truyền thống, lâu đời với châu Âu đồng thời có cộng đồng lớn người Việt đang sinh sống ở EU, do đó, có nhiều thuận lợi trong việc khai thác thị trường. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường này”.
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu thị trường
Bên cạnh kết quả tích cực, doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, giá nhiên liệu lên cao, cước phí vận chuyển chưa giảm do thiếu container, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành.
Còn theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy, tháng 5-2022, EU đã ban hành quy định về việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu tối đa trên các sản phẩm nông sản nhập khẩu. Nếu không đạt các tiêu chuẩn này, sản phẩm sẽ bị thu hồi. Do vậy, các địa phương, hiệp hội cảnh báo doanh nghiệp để tránh rủi ro.
EU là thị trường “khó tính” với rất nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động, thực vật. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng tốt nhất yêu cầu. Là doanh nghiệp nhiều năm xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE Việt Nam (quận Long Biên) chia sẻ, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, xu hướng tiêu dùng và quan trọng hơn là chứng minh năng lực sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng; nhất là các yếu tố của phát triển bền vững như sự bảo đảm công bằng cho người lao động, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh việc nắm bắt thông tin về thị trường, các quy định liên quan, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. “Trong dài hạn, giải pháp căn cơ là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường”, bà Nguyễn Cẩm Trang nói.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất, nhập khẩu đồng thời đào tạo, tập huấn kiến thức về các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực thương mại quốc tế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường châu Âu cũng được tăng cường để EVFTA tiếp tục mang lại “trái ngọt” cho xuất khẩu của Việt Nam.