ĐBP - Những năm qua, các cơ quan chuyên môn đã triển khai các mô hình thí điểm trồng rau an toàn (RAT) tại nhiều địa bàn. Các mô hình giúp người trồng rau tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, dù có nhiều điểm ưu việt song thực tế việc sản xuất theo mô hình RAT lại khó nhân rộng.
Nhà lưới rộng gần 1.000m2 và hệ thống phun tưới tự động với tổng chi phí trên 500 triệu đồng được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (thị trấn Tủa Chùa) đầu tư để trồng RAT. Do đó, các sản phẩm rau ở đây luôn được người tiêu dùng ở thị trấn Tủa Chùa săn đón, nhất là các trường học và bếp ăn tập thể. Sản phẩm sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiệu quả là vậy song đây chỉ là 1 mô hình điểm và cũng là duy nhất về sản xuất RAT ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tủa Chùa.
Chị Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu quá lớn là rào cản người trồng rau phát triển RAT theo hướng ứng dụng công nghệ. Để các hộ trồng rau đầu tư khoản chi phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng trồng RAT là rất khó”
3 năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Quân, thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) sản xuất rau theo hướng an toàn. Các loại rau, củ, quả được ông Quân lựa chọn là: Su hào, bắp cải và cà chua.
Ông Quân cho biết: Sản xuất RAT đòi hỏi quy trình kỹ thuật chặt chẽ, tỉ mỉ và các công đoạn phải được ghi chép đầy đủ, rõ ràng. Đơn cử như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi rau nhiễm sâu bệnh, theo quy trình 10 ngày phun thuốc một lần, có những loại thuốc có thời gian cách ly tận 7 ngày nên nếu không ghi chép thì rất khó để nhớ và thực hiện đúng, đủ theo quy trình sản xuất RAT. Tôi cho rằng, sự tỉ mỉ và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt là một trong những lý do khiến các hộ trồng rau ít lựa chọn giải pháp trồng rau theo quy trình đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nếu trồng theo quy trình VietGap thì các hộ trồng rau phải thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ để bón rau nên mẫu các sản phẩm RAT không đẹp, kén khách, nhiều khi giá bán còn thấp hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống.
Để các hộ trồng rau tiếp cận, nắm vững kỹ thuật và triển khai trồng rau theo hướng an toàn, những năm qua các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai các mô hình điểm tại các địa phương có thế mạnh về trồng rau. Từ năm 2016 - 2021, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai 11 mô hình về sản xuất an toàn tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Các mô hình đã giúp người trồng rau làm quen các hoạt động sản xuất theo quy trình GAP cơ bản, kiểm soát các yếu tố đầu vào, tạo ra sản phẩm an toàn; giảm chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (20 - 30%) so với hình thức sản xuất truyền thống. Các sản phẩm đều được kiểm định chất lượng, kiểm tra an toàn. Nhờ đó, người trồng rau thu lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống từ 15 - 20%. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình RAT gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến các mô hình sản xuất RAT khó nhân rộng. Đơn cử như, sản phẩm chưa có tem nhãn nên người tiêu dùng chưa thể phân biệt được giữa RAT và rau sản xuất truyền thống. Do đó, người trồng rau khó bán giá cao hơn so với các sản phẩm rau khác. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất chưa thực sự được quan tâm, số lượng đơn vị bao tiêu sản phẩm ít, khối lượng sản phẩm được thu mua hạn chế, không thường xuyên. Đặc biệt là phần lớn người dân vẫn duy trì tư duy và phương thức sản xuất cũ khiến các mô hình RAT khó được nhân rộng.
Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Tổng hợp Noong Luống, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cho rằng: Cần có những chính sách riêng về phát triển RAT trên địa bàn tỉnh để khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào sản xuất và kinh doanh. Các chính sách đó phải làm nổi bật được sự ưu việt, chất lượng của sản phẩm, để các hộ trồng rau thấy được sự khác biệt rõ ràng giữa RAT và rau sản xuất truyền thống. Có như vậy, người dân mới chủ động tìm hiểu, đầu tư, từ đó các mô hình sản xuất RAT mới thực sự hiệu quả và được nhân rộng.