ĐBP - Thời gian qua, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ tập trung hỗ trợ nông dân trên địa bàn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp nông dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Chuyển đổi cây trồng trên đất nương, đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh trồng các giống cây trồng khác cho năng suất, hiệu quả cao là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững và xây dựng nông thôn mới. Gia đình chị Lò Thị Piếng, ở bản Ló, xã Pá Khoang đã mạnh dạn đăng ký với chính quyền xã chuyển đổi 5.000m2 đất nương trồng đào và trồng sắn sang trồng cây ổi Ruby theo dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ổi Ruby (Đài Loan) giai đoạn 2022 - 2023 tại xã Pá Khoang. Chị Piếng cho biết: “Tôi tham gia mô hình trồng ổi này được gần 2 tháng rồi. Trong quá trình trồng, chăm sóc tôi thấy cây ổi Ruby khá hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên đang sinh trưởng và phát triển tốt. Hi vọng, cây trồng mới này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng đào, trồng sắn như trước đây gia đình tôi vẫn làm...”.
Toàn xã Pá Khoang có 28 hộ tham gia trồng ổi Ruby, với diện tích 10ha, được Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ hỗ trợ 3.000 cây giống. Sau gần 2 tháng đưa vào trồng thử nghiệm, phần lớn diện tích cây ổi Ruby đều sinh trưởng, phát triển tốt, cây sống đạt trên 96%. Được biết, dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ổi Ruby được thực hiện theo hình thức liên kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Doanh nghiệp. Nông dân thực hiện trồng theo quy trình hướng dẫn và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hộ dân tham gia dự án. Dự án thành công sẽ từng bước chuyển đổi và hoàn thiện phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực trồng cây ăn quả tại địa phương, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là tại các xã vùng ngoài còn nhiều khó khăn của TP. Điện Biên Phủ.
Trong vụ mùa năm 2022, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ còn hỗ trợ nông dân các xã, phường: Thanh Minh, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang, Nam Thanh, Thanh Trường, Noong Bua mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa mùa. Với quy mô 71ha, 601 hộ tham gia, mô hình đã hỗ trợ, đưa các giống lúa mới, như J02, nếp 97, HD11... vào sản xuất. Không chỉ vậy, mô hình còn đưa máy cấy vào hỗ trợ nông dân các xã vùng ngoài khắc phục khó khăn về khung thời vụ. Đến nay, các xã, phường vùng lòng chảo đã tiến hành thu hoạch xong, năng suất mô hình cao hơn so với đại trà từ 2 - 2,5 tạ/ha... Bà Chu Thị Thảo, cán bộ khuyến nông phường Nam Thanh cho biết: “Thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa mùa do Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ triển khai, trên địa bàn phường có 46 hộ tham gia với diện tích 5,7ha. Mặc dù thời tiết không ủng hộ nhưng năng suất của các hộ này vẫn đạt trên 63 tạ/ha, cao hơn so với một số giống lúa khác. Điều đó làm bà con hết sức phấn khởi, tin tưởng để tiếp tục áp dụng mô hình này trong những vụ tiếp theo. Kết thúc vụ lúa mùa, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ tiếp tục hỗ trợ phường mô hình trồng ngô vụ đông, với 57 hộ tham gia trồng trên 7ha. Bao gồm các giống như TBM18, HM88 và ngô ngọt... để bà con tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích”.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ, trong năm 2022 tổng diện tích đất chuyển đổi sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn là 257ha; gồm chuyển đổi từ đất lúa nương 250ha, đất ruộng 2 vụ 7ha. Trong đó diện tích chuyển đổi sang cây lâu năm là 250ha. Với diện tích chuyển đổi lớn như vậy thành phố đã nỗ lực đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng trên địa bàn, bước đầu hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung. Ngoài ra, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ còn tập trung nâng cao nhận thức của người nông dân thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập hợp tác xã, tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định cho người dân cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.