Vấn đề hôm nay

Cam kết tiến độ giao đất, giao rừng

15:54 - Thứ Hai, 10/10/2022 Lượt xem: 3772 In bài viết

ĐBP - Một trong những nhiệm vụ được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt thời gian qua, đó là đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan, các tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh… để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mục tiêu là đến hết năm 2023 phải hoàn thiện việc giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân.

Thời gian còn lại không nhiều (khoảng hơn 1 năm), vậy nhưng tiến độ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chậm. Tính đến trung tuần tháng 9/2022, tỉnh mới tổ chức triển khai rà soát, đo đạc, thành lập bản đồ, lập hồ sơ địa chính được 154.477,892 ha/360.149,82ha tổng diện tích đất lâm nghiệp phải thực hiện (đạt 42,9%). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác nhận giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ, phòng chống cháy rừng, tỷ lệ che phủ rừng cũng như chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Các dự án giao thông, thuỷ lợi đi qua rừng; dự án trồng cây mắc ca, cây dược liệu; trồng rừng kinh tế… đều vướng mắc, do không xác định được đâu là đất rừng Nhà nước quản lý, đâu là đất nương luân canh sản xuất hoa màu… của người dân để tính toán phương án đền bù, giải phóng mặt bằng một cách hợp lý, khoa học.

Mặc dù một số địa phương đã rất tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện và bước đầu đạt được kết quả khá tốt như: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ chưa tập trung tổ chức triển khai thực hiện, dẫn đến tiến độ rất chậm.

Việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, khách quan có và chủ quan cũng có. Nhưng chủ yếu do UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp huyện, UBND cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, phương pháp tổ chức triển khai chưa phù hợp, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện giao đất, giao rừng chưa đồng bộ, chưa sâu, chưa rõ. Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cấp huyện chưa thường xuyên, sâu sát để phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tư vấn và UBND cấp xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sự phối hợp giữa UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp huyện với Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả; các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao trong việc kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn các huyện được phân công...

Tháo gỡ những tồn tại, bất cập nói trên, thì các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Công văn và kết luận về giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gần đây.

Cần xác định rõ nội dung, mốc thời gian, tiến độ triển khai, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện... để làm căn cứ kiểm tra, giám sát. Chốt tiến độ đến hết năm 2022 phải rà soát, đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp có rừng và ít nhất 55% tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng (huyện Mường Nhé, thị xã Mường Lay phải đạt trên 80%; huyện Mường Chà, huyện Mường Ảng phải đạt ít nhất 70%).

Mặc dù ở các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo… nhưng có nơi, có lúc và có địa phương, tinh thần chủ động trong công việc của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa làm tròn vai. Do đó, Thường trực cấp huyện cần đưa nội dung giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương vào chương trình công tác hàng tháng của Thường trực để kịp thời chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ, Thường trực cấp huyện vào cuộc mạnh mẽ, có chỉ đạo thường xuyên, bài bản, khoa học thì tiến độ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt kết quả tốt. Mường Ảng từng là địa phương “ỳ ạch” trong vấn đề này. Tuy nhiên gần đây, khi Thường trực Huyện uỷ “vào cuộc” quyết liệt thì tiến độ có bước “đột phá”, trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cao nhất tỉnh.

Qua đó thấy rằng, khi người đứng đầu cấp uỷ địa phương, Thường trực cấp uỷ các cấp “sốt sắng với công việc”, yêu cầu các Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo… chủ động vào cuộc, đề ra tiến độ và cam kết “găng tiến độ” thực hiện; cùng “ngồi lại với nhau”, chủ động trao đổi, bàn thảo, đưa ra các giải pháp phù hợp thì những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâp nghiệp sẽ đạt yêu cầu theo đúng lộ trình đề ra.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top