Đừng để hợp tác xã mắc ca “tự bơi”

09:19 - Thứ Bảy, 15/10/2022 Lượt xem: 5916 In bài viết

ĐBP - Để hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án mắc ca trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2736/KH-UBND ngày 23/8/2021 về việc phát triển thí điểm hợp tác xã (HTX) mắc ca giai đoạn 2021 - 2022. Đến nay, cơ bản các huyện có dự án mắc ca đều đã thành lập được ít nhất 1 HTX mắc ca. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX gặp rất nhiều khó khăn, tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế, tiến độ trồng mắc ca chậm.

Cán bộ phòng chuyên môn huyện Mường Ảng kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển vườn mắc ca của HTX Mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng.

Thành lập đúng tiến độ...

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh thành lập thí điểm từ 6 - 10 HTX mắc ca. Thực hiện Kế hoạch số 2736/KH-UBND, 2 cơ quan được giao nhiệm vụ nòng cốt là: Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho cán bộ xã và người dân tại các địa bàn thuộc vùng dự án trồng mắc ca. Đồng thời, biên soạn, in ấn và phát các tờ rơi tuyên truyền về thành lập HTX mắc ca gửi các địa phương tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 11 HTX mắc ca tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ.

Các HTX mắc ca được thành lập với mục tiêu trở thành cầu nối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc về đất đai trong quá trình triển khai các dự án mắc ca. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX mắc ca đều gặp rất nhiều khó khăn; trình độ năng lực cán bộ chủ chốt hợp tác xã rất hạn chế; tiến độ triển khai trồng mắc ca theo thỏa thuận liên kết chậm… Cá biệt, có HTX mới thành lập đầu năm 2022 đến nay đã nộp đơn xin giải thể.

HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) được thành lập vào cuối năm 2021 có 13 thành viên, mỗi thành viên đóng góp từ 1 - 2ha đất để liên kết với nhà đầu tư trồng mắc ca. Sau khi thành lập, HTX đã chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện việc liên kết trồng mắc ca với Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Tây Bắc. Tuy nhiên, đến nay đã qua mùa trồng rừng được gần 3 tháng song HTX vẫn chưa thể xuống giống cây mắc ca. Bên cạnh đó, từ khi thành lập đến nay, HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu không tổ chức bất cứ hoạt động gì ngoài việc vận động các thành viên góp đất trồng mắc ca. Nguyên nhân chính của “thành lập rồi để đấy” là do trình độ của bộ máy HTX hạn chế. Các cán bộ chủ chốt như: Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, kế hoạch… đều không nắm vững về các quy định, tổ chức hoạt động theo Luật HTX.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Trước đây, huyện Mường Nhé thành lập HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu là để đảm bảo tiến độ trồng mắc ca của nhà đầu tư. Sau đó, do nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án mắc ca tại huyện Mường Nhé nên đến nay vẫn chưa triển khai trồng mắc ca theo thỏa thuận liên kết giữa HTX và doanh nghiệp.

Còn nhiều bất cập

Thực hiện Kế hoạch 2736/KH-UBND, huyện Mường Ảng đã thành lập được 2 HTX mắc ca, đó là: HTX Mắc ca bản Tát Hẹ (xã Ẳng Nưa) và HTX Mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng. Đến nay, 2 HTX này đã thực hiện xong công tác xuống giống với tổng diện tích 52ha. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện 2 HTX vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

HTX Mắc ca bản Tát Hẹ thành lập đầu năm 2022 với 18 thành viên. Mục tiêu năm 2022, HTX liên kết với nhà đầu tư triển khai trồng 10ha mắc ca. Đến nay đã xuống giống đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tất cả các khâu từ đào hố, mua cây giống đến xuống giống cây đều do các thành viên HTX tự thực hiện. Doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết với HTX không hề xuất hiện, thể hiện vai trò trong suốt quá trình trồng mắc ca.

Ông Lý A Súa, Giám đốc HTX Mắc ca bản Tát Hẹ cho biết: “Sau khi thành lập, HTX đã tuyên truyền, vận động các thành viên góp đất để trồng mắc ca theo tiến độ nhà đầu tư cam kết. Sau khi góp đất, các thành viên đã chủ động đào hố và đợi nhà đầu tư hỗ trợ phân bón và cây giống để trồng. Tuy nhiên, đến hẹn nhưng nhà đầu tư không vận chuyển cây giống đến, cũng không hỗ trợ phân bón hay hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Người dân sốt ruột trong khi nhà đầu tư thì cứ khất lần, hứa hẹn. Sau cùng, các hộ thành viên mất kiên nhẫn đã tự bỏ tiền mua giống cây mắc ca từ tỉnh Đắk Lắk để xuống giống cho kịp thời vụ”.

Sau hơn 1 tháng trồng cây, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với ông Lý A Súa để tìm hiểu về tình hình sinh trưởng của cây mắc ca thì ông Súa thông báo: “Đầu tháng 10 vừa rồi, tôi đã nộp đơn ra UBND xã Ẳng Nưa và UBND huyện Mường Ảng xin giải thể HTX. Nguyên nhân là do người dân mất dần niềm tin vào tính bền vững của liên kết. Đồng thời, hoạt động theo hình thức HTX, chúng tôi thường xuyên phải đi tuyên truyền, tập huấn; xây dựng báo cáo; tổ chức hoạt động theo Luật HTX… Đặc biệt là phải sử dụng chữ ký số, chuyển đổi số. Tát Hẹ là bản vùng cao, chưa có mạng internet nên chúng tôi cho rằng đây là việc quá sức. Do đó, các thành viên đã thống nhất giải tán và tôi đã gửi đơn xin giải thể HTX. Đối với diện tích mắc ca đã trồng, sau khi HTX giải tán, diện tích của hộ nào thì hộ đó tự quản lý, chăm sóc”.

Đối với HTX Mắc ca Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng đã trồng được hơn 40ha mắc ca. Diện tích trồng tuy lớn hơn HTX Mắc ca bản Tát Hẹ tuy nhiên, bản chất liên kết sản xuất của nhà đầu tư và HTX cũng không quá khác biệt. Cụ thể, sau khi góp đất, các thành viên đã tiến hành đào hố, chủ động bón phân đợi cây giống từ doanh nghiệp để xuống giống. Tuy nhiên, sau nhiều lần “hẹn lên hẹn xuống” vẫn không thấy doanh nghiệp cung ứng cây giống, HTX đã kiến nghị lên UBND huyện, sau đó UBND huyện báo cáo lên tỉnh và chỉ sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh thì doanh nghiệp mới cấp cây giống cho HTX.

Bên cạnh đó, việc trồng mắc ca của HTX Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng cũng còn nhiều điều khiến các thành viên băn khoăn. Đầu tiên là việc giao nhận cây giống mà không có biên bản giao nhận cây, không có giấy tờ xác thực chủng loại, chất lượng cây giống từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Trước thực trạng đó, một số người dân phân vân: Cây giống là do doanh nghiệp giới thiệu chứ không phải do doanh nghiệp cấp. Nếu sau này, trồng cây có quả, chủng loại giống không đúng, chất lượng quả không đảm bảo theo thỏa thuận liên kết, doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm, thiệt thòi lại thuộc về người dân, thành viên HTX. Ngoài ra, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, vị trí trồng cây mắc ca cũng chưa phù hợp. Bởi vì mắc ca là cây ưa sáng, trước đây người dân trồng để che bóng cây cà phê. Mà nay, nhiều chỗ lại trồng dưới tán cây che bóng, sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca.

Chủ trương thành lập thí điểm các HTX mắc ca là phù hợp. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và HTX đã và đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập, hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Do đó cần có giải pháp phù hợp để liên kết giữa các bên bền vững, ổn định phát triển lâu dài.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top