ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, cùng với công tác chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện Điện Biên Đông chỉ đạo quyết liệt các phòng chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo để các dự án, tiểu dự án triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Điện Biên Đông đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; còn tình trạng người dân trông chờ ỷ lại vào nhà nước; năng lực một số cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế...
Giai đoạn 2021 - 2025, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, huyện Điện Biên Đông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bền vững, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người nghèo, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Năm 2022, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Điện Biên Đông là 120,972 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương phân bổ là 77,014 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương là 19,458 tỷ đồng; nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương tỉnh quản lý 14 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa 0,5 tỷ đồng. Năm nay, nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo được Trung ương phân bổ muộn. Do đó, hiện nay huyện Điện Biên Đông đang khẩn trương triển khai thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã thành lập Ban quản lý các chương trình mục tiêu cấp xã và thành lập Ban phát triển cấp thôn, bản; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã trực tiếp tổ chức các lớp tập huấn cho từng xã để Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển thôn, bản nắm vững các nội dung. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội thảo, tọa đàm, phát loa di động. Các tổ xung kích cấp xã xuống cơ sở tiếp xúc trực tiếp với hộ nghèo hướng dẫn cách thức, nội dung, cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trên cơ sở đề cương hướng dẫn tuyên truyền theo kế hoạch truyền thông của huyện, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đã tập trung hướng dẫn cách thức vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo, tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa...
Từ đầu tháng 10 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông đã tổ chức 15 lớp tập huấn triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho 860 cán bộ làm công lác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã; bí thư chi bộ bản, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận bản (tổ dân phố).
Ông Hạng A Di, Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: Sau khi được tập huấn, cán bộ làm công tác giảm nghèo của xã đã cơ bản nắm vững quy trình triển khai, đồng thời nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án giảm nghèo. Ban quản lý các chương trình mục tiêu của xã và Ban phát triển thôn, bản tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại 100% thôn, bản về công tác giảm nghèo. Trong đó tập trung biểu dương gương thoát nghèo, phát huy vai trò của người có uy tín tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên, chủ động đối ứng trong tham các mô hình giảm nghèo bền vững. Năm nay, từ nguồn vốn giảm nghèo năm 2021 chuyển sang, huyện Điện Biên Đông đã triển khai 1 mô hình hỗ trợ bò sinh sản với 33 con bò trên địa bàn xã.
Những năm gần đây, xã Tìa Dình được UBND huyện Điện Biên Đông quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Do đó, Ban quản lý các chương trình mục tiêu của xã và Ban phát triển các bản chú trọng tuyên truyền người dân thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Năm 2022, từ nguồn vốn giảm nghèo, xã Tìa Dình được đầu tư 2 dự án đường giao thông. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã chủ động phối hợp, tạo điều kiện để chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình. Xã Tìa Dình cũng thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.