ĐBP - Diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 75,89% diện tích đất tự nhiên, những năm gần đây tỉnh ta đã chú trọng xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Trong đó chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn, ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất liên kết tạo ra chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị với các nhóm cây trồng chính. Ðến nay đã hình thành các vùng chuyên canh như: Gạo, rau (huyện Ðiện Biên); cà phê (Mường Ảng); cao su (Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé); chè (Tủa Chùa)...
Hiện nay, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) có hơn 40ha rau màu tập trung ở các thôn A1, Ðại Thanh. Sản xuất rau củ quả an toàn được xác định là hướng phát triển kinh tế chính và xây dựng trở thành sản phẩm tiêu biểu trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ năm 2016, thông qua cầu nối là Hội Nông dân xã, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn người dân trồng rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Ðến nay rau của bà con dần có chỗ đứng trên thị trường với lượng tiêu thụ ổn định. Tận dụng lợi thế này, cuối năm 2020, hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống đã xây dựng lộ trình, phát triển sản phẩm và đến tháng 12/2021, UBND tỉnh đã công nhận sản phẩm đỗ leo 4 mùa đạt 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện nay, 11ha đỗ leo của HTX trồng theo hướng GAP năng suất trung bình khoảng 200 tấn/vụ. Trở thành sản phẩm OCOP không những tạo điều kiện cho đỗ leo Noong Luống có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường mà quan trọng hơn là góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân trên địa bàn.
Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, cho biết: Sau khi sản xuất đi vào ổn định thì hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm đỗ leo của HTX rất thuận lợi, với 10% lượng tiêu thụ là thị trường trong tỉnh và 90% xuất đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên... Ðặc biệt là dịp tết Nguyên đán, HTX còn xuất bán khoảng 1 tấn đỗ/vụ sang tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào). Thời gian tới, HTX sẽ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rau củ quả, chuyển sang áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu thu hoạch và đóng gói, nâng cao chất lượng sản phẩm lên 4 sao.
Trên cơ sở các vùng chuyên canh và xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh có 13 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: thóc, gạo (7 HTX); dứa (1 HTX); rau, quả các loại (3 HTX); trâu, bò, dê và các sản phẩm từ trâu, bò, dê (2 HTX). Từ đó sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thu hút các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu; một số sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðơn cử như chè Tủa Chùa khó khăn trong việc mở rộng diện tích tạo thành vùng chè tập trung do diện tích chè tuyết shan cổ thụ nhỏ; việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè ra ngoài tỉnh còn nhiều hạn chế nên việc tiêu thụ chè khô ra thị trường chưa xứng với tiềm năng. Ðối với cây ăn quả tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo gặp khó trong mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tập trung...
Ðể cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất liên kết tạo ra các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị với các nhóm cây trồng chính. Củng cố và phát triển các tổ chức hợp tác của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã, hội...) trong vùng nguyên liệu; hướng dẫn, tư vấn nông dân tiếp cận các nội dung chính sách hợp tác, liên kết và phát triển các hợp đồng liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản. Ưu tiên triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các địa phương hình thành, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.