ĐBP - Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phấn đấu đến hết tháng 9/2022, các địa phương, cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư giải ngân 100% kế hoạch vốn của các dự án hoàn thành và dự án chuyển tiếp, 75% kế hoạch vốn của các dự án khởi công mới, đảm bảo đến hết năm 2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng qua 9 tháng, tỷ lệ giải ngân vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó có nhiều địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Năm 2022, toàn tỉnh có 52 dự án chuyển tiếp từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9 vẫn còn 39/52 dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 100%. Trong đó, có nhiều dự án tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Đường giao thông liên bản, nội bản Hô Nậm Cản, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) mới đạt 25%; dự án Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ đạt 20%... Đặc biệt, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, hiện nay cả 34/34 dự án tỷ lệ giải ngân đều không đạt 100% theo chỉ đạo. Đơn cử, Dự án Bảo vệ phát triển rừng bền vững tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn các huyện, thành phố (trừ TX. Mường Lay), tỷ lệ giải ngân mới đạt 20%.
Mục tiêu đối với các dự án khởi công mới phấn đấu giải ngân đạt 75% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, đến hết tháng 9 toàn tỉnh còn 22/42 dự án tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% (đối với nguồn vốn địa phương); và 14/21 dự án có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% (nguồn vốn Trung ương). Điển hình, Dự án Đường Chà Nưa - Nậm Đích - mốc B4 huyện Mường Chà (do huyện Mường Chà làm chủ đầu tư) thuộc nguồn vốn Trung ương, tính đến hết tháng 8 chưa giải ngân và dự kiến hết tháng 9 tỷ lệ giải ngân đạt 20%. Theo lý giải của ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà tại phiên họp UBND tỉnh tháng 9/2022, nguyên nhân do công tác điều chỉnh chậm; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến không có khối lượng giải ngân, thanh toán.
9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt 46,38%, thấp hơn so với bình quân cả nước. Trong đó có 20 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 75% (vốn ngân sách địa phương) như: TP. Điện Biên Phủ (49,6%); huyện Điện Biên Đông (56,9%); Sở Tài nguyên và Môi trường (20%); Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (20%)… Đối với nguồn vốn Trung ương có 19 đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Huyện Điện Biên (20%); Điện Biên Đông (19,7%); Mường Nhé (20%); Mường Chà (23,6%); Sở Y tế (21,8%); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (20%)...
TP. Điện Biên Phủ là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp (ước đến hết tháng 9 mới đạt 44,51%); trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 49,6% và tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 35%. Theo lý giải của UBND TP. Điện Biên Phủ, do nguồn vốn ODA (thực hiện dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn thành phố) Trung ương chuyển nguồn cho địa phương muộn. Thành phố đã có đơn đề nghị Kiểm toán Nhà nước chấp thuận khối lượng đã nghiệm thu (kiểm soát theo kết quả đầu ra) làm căn cứ pháp lý gửi các bộ, ngành thẩm định và chuyển kinh phí thực hiện vốn giao năm 2022. Bên cạnh đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia được giao vốn muộn; hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương, các cơ quan chủ quản chương trình còn chậm, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác lập, giao kế hoạch của địa phương.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh thấp đã được xác định là do một số chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện công tác thanh toán ngay khi có khối lượng, dẫn đến một số dự án chưa giải ngân được kế hoạch vốn. Chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị chưa tốt, thiếu chủ động dẫn đến chưa thể triển khai thi công, giải ngân, phải điều chỉnh kế hoạch vốn. Cùng với đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục như: Kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ rút vốn (ODA), hồ sơ thanh toán, quyết toán…; năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, do tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm (mới đạt khoảng 20% kế hoạch vốn năm 2022 đã giao), ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Để đến hết năm 2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan, thay thế ngay các trường hợp không đủ năng lực, đạo đức công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân để dự án chậm tiến độ, phải trả lại nguồn vốn cho Trung ương, không đảm bảo chất lượng; nghiệm thu, quyết toán khống khối lượng; nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư (công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức lựa chọn nhà thầu...) của các dự án thành phần đối với các dự án dự kiến bố trí vốn năm 2022, để sớm triển khai thi công, giải ngân vốn khi được phân bổ.